Wednesday, April 11, 2012

HuongdanontapvalambaithimonVanNGHILUANXAHOI_nhiều tác giả

Nguyễn Tấn Huy-Nguyễn Minh Vũ-Mai Bá Gia Hân- Lưu Thị Thu Hương-Cao Lê Mỹ Diệu-Châu Nguyễn Uyên Thư-Mai Phương Linh

Hướng dẫn ôn tập và làm bài thi môn Văn NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (dùng cho HS thi tốt nghiệp THPT và thi vào ĐH-CĐ, thi HSG).

Li nói đu

Các em học sinh thân mến!

Nếu như các năm trước, đề thi theo chương trình cũ chỉ có bài làm văn nghị luận văn học thì từ năm 2009 trở đi, cấu trúc đề thi theo chương trình phân ban THPT có bài làm văn nghị luận xã hội.

Tất cả các kì thi, từ thi Học sinh giỏi Olympic 30/4, thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia cho đến thi Tốt nghiệp THPT, thi vào Đại học-Cao đẳng, các em học sinh đều phải làm một bài văn nghị luận xã hội.

Kiểu bài nghị luận xã hội nói chung là khó đối với các em. Khi làm bài nghị luận văn học, các em có thuận lợi là đã được trang bị kiến thức rất kĩ ở các giờ đọc hiểu văn bản văn học. Còn khi làm bài nghị luận xã hội, các em gặp khó khăn cả về nội dung lẫn phương pháp. Cuốn sách này giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong tình hình tài liệu về văn nghị luận xã hội còn rất thiếu hiện nay.

Trong sách này chúng tôi mạo muội trích dẫn một số bài viết của các bạn học sinh lớp 12 vừa đoạt giải trong kì thi HSG quốc gia vừa qua. Hi vọng cách viết của các bạn cùng lứa sẽ gần gũi với các em.

Các tác giả rất hi vọng cuốn sách này sẽ là một tài liệu tốt để các em chuẩn bị cho các kì thi sắp tới của mình. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả để lần tái bản sau được hoàn thiện hơn.

Xin chân thành cảm ơn

Chúc các em thành công!

CÁCH LÀM BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

I. DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ

Với HS phổ thông, đề tài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí thường là: quan điểm về đạo đức, thế giới quan, nhân sinh quan của con người; về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phương pháp tư tưởng.

Cách làm bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí:

-Đề tài nghị luận về tư tưởng, đạo lí vô cùng phong phú, bao gồm các vấn đề:

+về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống).

+Về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng, tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỷ, ba hoa, vụ lợi…).

+Về các quan hệ gia đình (tình mẫu tử, tình anh em…) quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn…).

+Về cách ứng xử, những hành động của mỗi người trong cuộc sống…

-Các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng trong kiểu bài này là: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận:

+Sử dụng thao tác lập luận giải thích để làm rõ ý nghĩa vấn đề, các nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn (nếu có).

+Sử dụng thao tác lập luận chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề. Dẫn chứng chủ yếu dùng tư liệu thực tế, có thể lấy dẫn chứng trong thơ văn nhưng không cần nhiều (tránh lạc sang nghị luận văn học).

+Sử dụng thao tác lập luận so sánh, bình luận, bác bỏ để đối chiếu với các vấn đề khác cùng hướng hoặc nghịch hướng, phủ định những cách hiểu sai lạc, bàn bạc tìm ra phương hướng…

II. DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG

Bên cạnh những nét tương đồng của kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống có những nét khác biệt cần lưu ý.

Kiểu bài này lấy một hiện tượng xảy ra trong đời sống để bàn bạc. Từ hiện tượng này, người nghị luận phải phân tích, tìm ra ý nghĩa về tư tưởng, đạo đức mà bàn bạc, đánh giá. Nội dung bàn bạc của nó gần gũi với đời sống, sát hợp với trình độ nhận thức của học sinh như: tai nạn giao thông, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, những tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, cuộc đấu tranh chống nạn phá rừng, những tấm gương người tốt việc tốt,…

Cách làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống:

-Nêu hiện tượng.

-Phân tích thực trạng bằng chứng xác đáng, toàn diện các mặt tích cực, tiêu cực.

-Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng ấy.

-Bàn luận: đề ra các giải pháp mang tính khả thi để giải quyết thực trạng ấy.

-Rút bài học cho bản thân: Xác định lí tưởng, mục đích, phương châm hành động đúng đắn.

Đề bài:

Em hiu như thế nào v hnh phúc gia đình?

DÀN Ý:

1/.Mở bài:

-Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.

-Nêu nhận xét khái quát vấn đề đó.

2/.Thân bài:

Cần trình bày những ý sau:

-Gia đình là gì?

-Như thế nào là hạnh phúc gia đình?

-Hạnh phúc gia đình phải được thể hiện ở cả vật chất và tinh thần.

-Làm thế nào để có được và gìn giữ hạnh phúc gia đình?

3/. Kết bài:

Nêu suy nghĩ cá nhân về hạnh phúc gia đình.

Bài làm của CAO LÊ MỸ DIỆU:

Cuộc sống tuy buộc vào cuộc đời mỗi con người không ít bất hạnh nhưng rồi cũng chính nó mang đến cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc. Có những hạnh phúc vụt đến rồi vụt đi như một ánh chớp bất thần giữa đêm tối. Nhưng cũng có những hạnh phúc đã trở thành một trong những mục tiêu lớn nhất của đời người, những hạnh phúc mà ai cũng phải khao khát. Những hạnh phúc ấy, chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay và tất nhiên không phải người nào cũng được tận hưởng. Hạnh phúc gia đình có lẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất trong số những hạnh phúc đếm được trên đầu ngón tay mà mỗi con người luôn tìm kiếm, hướng đến.

Gia đình, hai tiếng ấy thốt lên thật ngắn ngủi nhưng ý nghĩa của nó lại kéo dài cả cuộc đời. Chính vì vậy, để trình bày toàn bộ ý nghĩa của hai chữ gia đình –một từ tưởng như rất quen thuộc với mọi người, không phải là một việc đơn giản như nhiều người vẫn hình dung. Bởi chính sự quen thuộc nhiều khi lại khiến chúng ta dường như quên đi những ý nghĩa sâu xa của nó.

Nếu hình dung xã hội là một khối vật chất không đồng chất thì mỗi con người là một nguyên tử và mỗi gia đình là một phần tử trong khối vật chất ấy. Tất nhiên cách hình dung ấy không phải là ý nghĩa của gia đình mà chỉ là một cách mô phỏng khái quát nhất về nó mà thôi. Thực tế, gia đình bao gồm một số người có quan hệ huyết thống hoặc một số quan hệ ràng buộc khác với nhau. Thông thường một gia đình đầy đủ có hai đến ba thế hệ cùng chung sống. Ta cũng có thể xem gia đình là một tổ chức xã hội thu nhỏ giữa những người có các mối quan hệ đặc biệt với nhau, cũng có phân chia thứ bậc, có người trên, có kẻ dưới. Tuy nhiên, thứ bậc trong gia đình không phải là hình thức phân chia giai cấp trong xã hội mà chỉ là một cách sắp xếp được quy định trong đạo đức xã hội nhằm thể hiện tôn ti, trật tự trong gia đình. Sự sắp xếp ấy được thể hiện qua những mối quan hệ khác nhau trong gia đình, quan hệ giữa vợ đối với chồng, giữa ông bà, cha mẹ đối với con, cháu, giữa anh chị em với nhau….Với những mối quan hệ ấy, mỗi thành viên lựa chọn cho mình những cách cư xử khác nhau đối với các thành viên khác nhau trong gia đình. Với người lớn hơn thì kính trọng, hiếu thảo, với kẻ dưới thì nhường nhịn, thương yêu….Những cách cư xử của mỗi thành viên thể hiện phần lớn nền nếp, gia phong của gia đình. Một gia đình chỉ có thể tồn tại khi những tôn ti, trật tự được giữ vững, khi mỗi con người ý thức được vai trò và bổn phận của mình trong gia đình. Chính vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình, ngoài những gì mà mình được hưởng còn phải hiểu được trách nhiệm của mình để giữ vững sự tồn tại của gia đình.

Gia đình không chỉ được hiểu theo nghĩa triết học như trên mà đối với nhiều người, gia đình đơn giản là nơi họ dành trọn niềm tin yêu, nơi người ta được sống với chính mình, nơi người ta dừng chân khi mệt mỏi và là nơi người ta có thể trốn tránh được sự bon chen, xô bồ trong guồng quay vốn rất khắc nghiệt của trận chiến mà ai sinh ra cũng phải đối mặt cuộc đời. Đối với những con người ấy, gia đình như một khu vườn yên tĩnh, êm đềm giữa chốn đô hội náo nhiệt, ồn ào. Cũng có những con người, một gia đình thực sự đối với họ mãi mãi chỉ là một giấc mơ, xa xôi nhưng thật đẹp đẽ. Cũng có những con người, vì một lí do nào đó mà gia đình trở thành địa ngục giữa nhân gian. Nếu cảm nhận gia đình bằng trái tim, ta sẽ có, có rất nhiều cái nhìn khác nhau về gia đình trên trang giấy nhỏ hẹp này ta không thể trình bày hết được.

Gia đình đã là một khái niệm rất khó trình bày trọn vẹn, hạnh phúc gia đình lại càng khiến người ta lúng túng hơn. Cũng như bao hạnh phúc khác, hạnh phúc gai đình vốn là cái người ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nắm bắt, không thể nhìn thấy và càng không thể diễn tả bằng ngôn từ.

Nhà triết học Mông – xơ –lô – xki (Ý) đã rất sáng suốt khi dám khẳng định “Dấu hiệu trước nhất của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình”. Bởi chỉ có tình yêu mới đủ sức làm nên sự hòa thuận, sự cảm thông cũng như nuôi dưỡng tình thương giữa các thành viên trong gia đình. Một gia đình được gọi là hạnh phúc khi mọi thành viên đều được tận hưởng một cách trọn vẹn cả đời sống vật chất lẫn tinh thẩn và đều coi gia đình là tổ ấm. Hạnh phúc ấy được mỗi con người cảm nhận qua trái tim nhiều hơn lí trí. Tuy sự thể hiện hạnh phúc ở mỗi gia đình là khác nhau và cái nhìn về hạnh phúc cũng có thể không giống nhau nhưng bản chất của hạnh phúc là không thay đổi. Bởi dù nó thể hiện như thế nào đều mang lại cho con người niềm vui và là nguồn năng lượng tinh thần hết sức quan trọng để người ta bước đi trên đường đời.

Một hạnh phúc luôn xảy ra những mâu thuẫn chắc chắn không phải là một gia đình hạnh phúc, nhưng một gia đình hạnh phúc chưa hẳn đã là một gia đình không có mâu thuẫn. Đôi khi hạnh phúc gia đình lại được vun đắp chính bằng những mâu thuẫn. Sau những hiểu lầm, mỗi thành viên có thể hiểu và có được một sự thông cảm cho nhau nhiều hơn. Những lời qua tiếng lại nhiều khi lại trở thành một liệu pháp tinh thần rất hữu hiệu để duy trì hạnh phúc gia đình một cách bền vững. Một điều nhịn chín điều lành, câu nói ấy có thể đúng trong nhiều trường hợp nhưng luôn luôn nhẫn nhịn, luôn luôn cam chịu chưa hẳn là tốt, chưa hẳn đã là một cách giải quyết đúng đắn trong nhiều trường hợp. Có những lúc im lặng chỉ là một sự trốn chạy mâu thuẫn. Sự nín nhịn có thể được đền đáp bằng sự hòa thuận nhất thời trong gia đình, nhưng nếu lấy sự nín nhịn để che lấp những mâu thuẫn trong một thời gian dài thì rất có thể chính nó lại là mầm mống của sự rạn nứt hạnh phúc gia đình. Bởi sẽ có lúc nín nhịn kia vượt quá giới hạn chịu đựng của con người, sẽ có lúc con người không thể mãi mãi im lặng, và cố nhiên sự bùng nổ của cả một quá trình nín nhịn và cam chịu lâu dài sẽ gây ra một hậu quả lớn hơn rất nhiều so với việc đem từng mâu thuẫn ra giải quyết.

Một gia đình chỉ thực sự hạnh phúc khi mọi thành viên đều nhận thấy gia đình là chỗ dựa vững chắc cho mình, là nguồn vui, là nguồn yêu thương trong cuộc sống. Nó phải là một mái ấm chở che chứ không phải là “chiến trường” thứ hai của cuộc sống, phải là phần tĩnh trong cuộc sống vốn rất ồn ã, náo nhiệt của con người, và hơn thế nữa gia đình hạnh phúc phải là sợi dây tinh thần vững chắc kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Hạnh phúc gia đình cũng không nhất thiết phải hiểu bằng những khái niệm mà đôi khi nó còn có thể được hình dung với những hình ảnh rất bình thường mà ai cũng có thể thấy. Đó chính là bữa cơm đầm ấm của gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi, đó chính là ánh mắt tràn đầy hạnh phúc của mẹ khi bố đùa vui cùng con, đó là nụ cười mãn nguyện của ông bà trước sự hiếu kính của con cháu…. Những hình ảnh bình thường nhất nhiều khi lại chính là hạnh phúc gia đình lớn lao nhất mà người con được tận hưởng.

Có lẽ đã từng có không ít người cho rằng hạnh phúc gia đình chỉ phụ thuộc vào đời sống tinh thần. Nhưng thực tế lại cho thấy nhận thức kia có phần khiếm khuyết. Một gia đình hạnh phúc cần lắm một đời sống tinh thần phong phú lành mạnh, nhưng vật chất cũng là một yếu tố không thể thiếu quyết định hạnh phúc gia đình. Đời sống tinh thần liệu có thể có hay không khi một bữa ăn cũng khiến mọi người lo lắng, khi cửa nhà không đủ che nắng che mưa, khi một người ốm đau thiếu tiền mua thuốc, khi Tết đến con trẻ thất vọng nhìn bạn bè khoe áo mới, khi những ngày giỗ mà mâm cơm cúng tổ tiên phải đi vay mượn khắp nơi….Đúng, vật chất không phải là tất cả nhưng nó thực sự là quan trọng trong đời sống của con người. Nó là nhu cầu đầu tiên và là nhu cầu cơ bản nhất của con người. Thử hỏi, một nhạc sĩ khi đói sẽ nghĩ đến chén cơm trước hay nghĩ đến bản nhạc nổi tiếng của ông ta, một nhà văn khi vợ con ông đói khát sẽ nghĩ đến việc kiếm tiền trước tiên hay nghĩ đến việc viết một tác phẩm đánh dấu sự nghiệp của mình. Hạnh phúc gia đình cũng như một con người, để có được sự phong phú trong đời sống tinh thần trước hết phải đảm bảo được một đời sống vật chất đầy đủ. Bởi muốn có một được một bữa ăn ngon phải có tiền để mua thức ăn, muốn con cái được chăm sóc một cách đầy đủ phải có đủ điều kiện về kinh tế, và còn, còn rất nhiều mong muốn kể cả mong muốn về tinh thần nếu không đảm bảo điều kiện vật chất thì sẽ không bao giờ thực hiện được.

Một gia đình nghèo khó không thể là một gia đình có được hạnh phúc trọn vẹn nhưng một gia đình giàu có cũng chưa hẳn đã là một gia đình có hạnh phúc. Nhà cao, cửa rộng, chăn ấm, nệm ấm, con cái luôn được thỏa mãn tất cả các nhu cầu về chất, thậm chí còn nhiều hơn những gì mà chúng cần. Nhưng có hạnh phúc không khi cha mẹ luôn cãi cọ vì những bất đồng trong cuộc sống, anh em không biết quan tâm chia sẻ lẫn nhau, con cái nhiều khi hàng tuần không được nhìn thấy bố mẹ bởi lịch làm việc đi sớm về khuya của hai người. Những bữa cơm đầy đủ những món ngon nhưng thiếu đi nhiều thành viên trong gia đình liệu có vui hơn những bữa cơm bình thường nhưng ai cũng có mặt. Những đứa con có thực sự cảm thấy sung sướng khi ngày nào ai cũng có mặt. Những đứa con có thật sự cảm thấy sung sướng khi ngày nào túi tiền cũng đầy ắp nhưng túi yêu thương thì vẫn trống không, có thực sự vui vẻ khi phải đi hỏi mẹ của đứa bạn thân về chuyện của đứa con gái. Ông bà được sống trong một ngôi nhà đầy đủ những tiện nghi nhưng có cảm thấy ấm áp khi không có lấy một người để trò chuyện, không nghe được một tiếng cười vui của con cháu xung quanh.

Đời sống vật chất thiếu thốn khiến không khí gia đình nặng nề vì những nỗi lo cơm áo gạo tiền, khiến con người trở nên gắt gỏng, bực tức; còn thiếu đi đời sống tinh thần lại khiến gia đình trở nên buồn tẻ, khiến con người trở nên rụt rè hoặc lao vào những cuộc ăn chơi để lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn. Giá trị vật chất hay giá trị tinh thần đều đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xây đắp và duy trì hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy, hạnh phúc gia đình muốn trọn vẹn phải được thể hiện ở cả cuộc sống vật chất lẫn cuộc sống tinh thần, phải đáp ứng cùng một lúc cả hai nhu cầu vật chất và tinh thần ở mỗi thành viên.

Không một tổ chức xã hội nào có thể đứng ra chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, để có được một gia đình hạnh phúc mỗi con người đều phải có ý thức vun đắp và gìn giữ hạnh phúc, hiểu và trân trọng giá trị của hạnh phúc. Muốn vậy, mỗi thành viên trong gia đình phải biết được vai trò và giá trị của mình đối với gia đình, để từ đó làm tốt vai trò, bổn phận của mình dù ở bất cứ cương vị nào. Mỗi người cha, mỗi người mẹ ngoài việc đảm bảo cuộc sống vật chất còn phải là người giữ và truyền ngọn lửa yêu thương đến với mọi người trong gia đình. Không nên vì những lo lắng, bận rộn trong công việc ngoài xã hội mà quên đi bổn phận, vai trò, trách nhiệm đối với gia đình. Những đứa con luôn cần tình yêu thương của cha mẹ hơn là cần những đồng tiền của cha mẹ, những đứa trẻ tưởng chừng như vô tâm nhất cũng cần có cha mẹ để chia sẻ những khó khăn chúng gặp phải, hay trò chuyện về chuyện học hành, chuyện bạn bè của mình. Cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và vun đắp hạnh phúc gia đình, nhưng cũng không nên quy toàn bộ trách nhiệm cho họ. Những đứa con cũng là một yếu tố quyết định cho sự bền vững của hạnh phúc gia đình. Bởi chúng không chỉ là những đứa trẻ mà còn là sợi dây tinh thần kết nối mọi người với nhau. Bởi một gia đình dù cha mẹ có làm tốt vai trò của mình đến đâu cũng không thể hạnh phúc khi con cái học hành bê trễ, lợi dụng tình thương để có đủ tiền chưng diện, đủ tiền tham gia vào những trò chơi vô bổ, thậm chí có hại cho bản thân chỉ để thể hiện mình trước bạn bè. Và khi đó, rất có thể hạnh phúc gia đình sẽ bị rạn nứt chỉ bởi sự thiếu ý thức của con trẻ.

Cũng như bao hạnh phúc khác, hạnh phúc gia đình vốn rất mong manh và không phải ai cũng có được. Chúng ta chỉ có một người mẹ để yêu thương, một người cha để che chở, một quê hương để trở về và một gia đình để nương tựa. Chính vì vậy, mỗi con người hôm nay hãy biết quan tâm hơn đến gia đình, quý trọng hơn những hạnh phúc mà gia đình mang lại. Sẽ là một sự thiếu hụt lớn nếu chúng ta không biết tận hưởng, không biết bảo vệ niềm hạnh phúc lớn lao mà cuộc sống ban cho, hạnh phúc gia đình. Bởi không có ở đâu người ta có thể sung sướng hơn trong lòng gia đình.

Đề bài:

Nhà thơ A.M. Saadi viết:

Anh gp ai, dù người tt hay ti

Đng bao gi nói xu hãy nghe tôi,

Vì nói xu người ngay là ti li,

Vi người gian thành k gian gp bi.

Mt khi anh nói xu láng ging mình,

Thì dù đúng vn là điu đáng khinh.

(Trích tp thơ: Vườn qu -1256)

Hãy bình lun ý kiến v vn đ mà nhà thơ đưa ra.

DÀN Ý:

1/.Mở bài:

-Dùng bài thơ để đi vào vấn đề.

-Thể hiện khái quát sự đánh giá của mình về ý kiến ấy.

2/.Thân bài:

-Giải thích ý nghĩa của từ “nói xấu”.

-Xác định quan điểm của nhà thơ về vấn đề này.

-Nêu tác hại của việc nói xấu cho bản thân người nói, từ đó lí giải những quan điểm của nhà thơ về vấn đề này.

-Đánh giá những quan niệm và sự lí giải của tác giả. Khẳng định tính đúng đắn trong quan điểm, ý kiến của tác giả.

-Đưa ra những ý kiến khác về hiện tượng “nói xấu”.

-Đề xuất cách đối nhân xử thế đúng đắn, phù hợp.

3/.Kết bài:

-Chốt lại vấn đề, khẳng định một lần nữa tác hại của việc “nói xấu” người khác.

Bài làm của CAO LÊ MỸ DIỆU:

Đề bài:

Anh/ch hãy viết mt bài văn ngn vi ch đ “hãy sng là chính mình”.

Bài làm 1:

Đôi mắt sáng long lanh như hai vì sao, sự chân thật cảm động và thuyết phục người khác đến lạ thường; đôi mắt trong ngần như hai quả cầu thủy tinh, sự chân thực tỏa ra ánh hào quang chói lọi; đôi mắt ngập tràn sự chân thật giống như rừng hoa bạt ngàn, tỏa hương thơm ngát. Hãy sống chân thực để mình trở thành đóa hoa tươi đẹp nhất trong rừng hoa đời người.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, cũng suôn sẻ, thuận lợi như chúng ta mong muốn. Sẽ có lúc bạn chán nản với những bon chen, đố kị. Sẽ có lúc bạn thấy bất công vì những nỗ lực của mình không được ghi nhận, những thành quả bị người khác giành giật. Cũng có lúc bạn thấy mất lòng tin khi những người bạn hằng tin tưởng lại quay lưng phản bội bạn…đó chính là cuộc sống.Thế nhưng, những âm thanh tươi vui, những sắc màu rực rỡ, những tiếng cười rộn rã, những khoảnh khắc bình yên, những phút giây hạnh phúc….cũng được tìm thấy trong cuộc sống đó thôi. Vì vậy, bạn hãy lắng nghe những suy nghĩ của mình. Hãy trân trọng những cảm xúc đang ùa đến. Hãy phát huy những năng lực tiềm tàng của chính bạn.Hãy mỉm cười đón nhận cả cơ hội lẫn thách thức. Hãy kiên trì nuôi dưỡng hoài bão, khát khao không ngừng theo đuổi, chinh phục những ước mơ.

Sống thực, chúng ta sẽ là người đẹp nhất trên sân khấu cuộc đời. Các bé trai cũng có thể làm Sumo để đấu vật, chỉ cần chọn cho mình một nghề thích hợp và quyết tâm theo đuổi đến cùng để bạn tỏa sáng tài năng đích thực của chính mình. Các bé gái có thể chăm ngoan học tập, không tham gia vào các hoạt động của người lớn nhằm tránh tổn thương đến sự non trẻ thơ dại thuần khiết yếu đuối của mình. Khi tuổi còn trẻ thì chúng ta nên tận hưởng và sống trong sáng nhất với những ngày tháng hồn nhiên, thơ mộng của tuổi thơ, như thế mới đích thực là sống với chính mình.

Sống đúng với chính mình là mùa xuân tràn đầy nhựa sống, là mùa hạ tươi vui sảng khoái, là mùa thu mát mẻ trong xanh, là mùa đông thuần khiết và trầm lắng. Những người sống đúng theo lời kêu gọi trong tận sâu thẳm lòng mình, việc làm của họ chính là sự bày tỏ tình cảm chân thực nhất của mình. Họ đã sống một cách chân thực để tỏa sáng hết tài năng trên sân khấu cuộc đời, nhờ thế họ chiếm được tình cảm và sự sùng kính của quần chúng nhân dân. Đó là những thành quả đáng trân trọng, đáng khâm phục khi họ sống với chính mình, không như những thứ phù hoa lòe loẹt khi khoác lên mình chiếc áo xiêm y giả dối.

Hãy sống với chính mình, đừng đào bới thêm sự cô đơn trong tâm hồn đã chết, đừng tô điểm thêm gì cho tượng gỗ vô hồn, đừng theo đuổi cái giả dối thiếu chân thực, đừng hùa theo trào lưu phù phiếm của xã hội.

Bạn đã chuẩn bị tốt cho việc sống với chính mình chưa?

Bài làm 2:

Các bạn thân mến, chỉ cần chúng ta khi trẻ tuổi không hối hận, tuổi trẻ của tôi của bạn dẫu có khác nhau, thì có hề gì? Xin hãy nhớ rằng tuổi trẻ không hề có quy tắc…

Có bốn bức tranh, xin hỏi bức nào khác với những bức còn lại, đáp án của mỗi người đều có thể khác nhau. Tuổi trẻ của tôi, giống như một bức tranh không tô màu, cái nhìn thẩm mĩ của cá nhân khác nhau, đáp án cũng khác nhau.

Tuổi trẻ không có quy tắc. Bạn không nhất thiết phải chạy theo trào lưu để một kiểu đầu lạ, đi giữa đám đông bị người ta bàn tán rằng mình là nam hay nữ ; cũng không nên học theo tiểu thuyết tình cảm mà làm Lâm Đại Ngọc; cũng không cần phải học theoNietzsche muốn làm mặt trời.

Tuổi trẻ không có quy tắc. Thật đấy! Bạn có thể vùi đầu đọc sách, mười năm dùi mài kinh sử, cuối cùng trở thành “nổi tiếng thiên hạ”. Bạn cũng có thể vừa đọc sách, vừa công tác, hoặc là đầu tiên công tác, sau mới đọc sách, chỉ cần bản thân sống trung thực. Tuổi trẻ lại giồng như chim muông, hoàn toàn do bạn chọn thời gian bay, hoàn toàn do bạn chọn độ cao bay.

Bạn mộng tưởng Hằng Nga, vậy bạn đi tìm trăng đi!Bạn ước mơ mình trở thành nhân vật trong câu chuyện cổ tích thì bạn hãy kéo mặt trời xuống gần trần gian, còn nếu bạn muốn trở thành Đan – tê thì hãy tấu lên khúc nhạc cung nghinh thánh thần trở về.

Người dẫn đường Đan –tê được nhân gian công nhận sẽ giúp đỡ bạn có được trí tuệ kiểu của Đan –tê. Thanh niên chúng ta, hào khi mãnh liệt, lí tưởng rộng dài, lấy chất liệu của bạn để viết nhé! Chúng ta nhân tuổi trẻ để phát triển khả năng! Đừng đi mô phỏng người khác, đừng thấy người khác nói thì nói, tuổi trẻ là của mỗi chúng ta, tuổi trẻ không có quy tắc!

Ngày mưa to, đi trong mưa ướt như chuột lột, không cần mang theo ô, hãy hết lòng tận hưởng ân huệ của tự nhiên! Trong ngày xuân, hãy cứ cùng bạn bè đi dự lễ đạp thanh, những mệt mỏi của bạn sẽ được giải thoát một cách hợp lí nhất. Trong ngày nóng nực, chúng ta mồ hôi ra như tắm, nhưng hãy chăm chỉ canh tác nhé! Trong gió thu, đứng giữa cánh đồng, vẫy tay chào lúa vàng óng ánh, chúc phúc chúng, cũng chính là chúc mình một mùa bội thu. Trong tuyết lạnh mùa đông, rung rung cho tuyết trên cây rơi xuống, dọn tuyết trên mặt đất, ngửa mặt đón gió đông, hét lên một câu: “Mùa đông đã đến, mùa xuân sao vẫn còn xa?”. Một năm có bốn mùa, mỗi người đều có bản nhạc của riêng mình, ca bằng tiếng ca của riêng mình, đây chính là tuổi trẻ không có quy tắc của chúng ta, chính là cuộc sống phong phú, giàu sắc thái của chúng ta. Tuổi trẻ không có quy tắc, bạn có thể ở trên lớp tranh luận với giáo viên đến đỏ mặt tía tai, chỉ vì cần có một đáp án rõ ràng; cũng có thể một mình tận lực, quyết tâm suy nghĩ về một vấn đề vật lí; cũng có thể hôm nay cãi nhau kịch liệt với bạn cùng lớp, ngày mai lại hòa giải tốt đẹp như ban đầu. Có tuổi thanh xuân tươi trẻ như vậy, bạn có thể trở thành cao thủ, có thể cất tiếng cười tự hào trong nơi tổ chức thi, cũng có thể trở thành trạng nguyên ngoài hàng 360. Vì sao vậy? Rất giản đơn, vì tuổi trẻ của chúng ta không có quy tắc. Không phụ tuổi trẻ, không lãng phí thời gian, tuổi trẻ như vậy, lẽ nào chúng ta không có. Đời người giống như một bài toán, với nhiều cách giải phong phú, đa sắc, tuổi trẻ giống như lá cây, mỗi lá một vẻ khác nhau.

Các bạn thân mến, chỉ cần chúng ta khi trẻ không hối hận, tuổi trẻ của tôi, tuổi trẻ của bạn dẫu có khác nhau, thì có hề gì? Xin hãy nhớ rằng tuổi trẻ không hề có quy tắc…

Đề bài:

Các nước phương Tây thường t hào v nn văn minh ca h.Nim t hào y có chính đáng không? Và như thế nào mi là mt nn văn minh thc s?

DÀN Ý:

I/.Mở bài:

-Giới thiệu vấn đề.

-Nêu khái quát những suy nghĩ chung.

II/.Thân bài:

-Giải thích quan niệm văn minh theo nghĩa chung và theo quan niệm của xã hội tư sản, xã hội của những người phương Tây.

+Theo nghĩa chung: Văn minh là những tiến bộ trong xã hội từ vật chất đến tinh thần.

+Theo quan niệm của người phương Tây: Văn minh bao gồm sự tiến bộ của ba yếu tố: Kĩ thuật, tổ chức xã hội và triết học.

-Bình luận ý nghĩa tính đúng đắn của niềm tự hào

+Theo quan điểm của người phương Tây thì niềm tự hào là đúng đắn (Có thể đưa ra những thành tựu nổi bật để chứng minh).

+Theo nghĩa chung, niềm tự hào vẫn có phần phiến diện (chứng minh nhận định bằng những dẫn chứng).

-Rút ra cái nhìn về một nền văn minh đích thực và đề nghị giải pháp để hướng tới.

III/.Kết bài:

-Kết luận lại vấn đề.

-Nêu khái quát suy nghĩ của bản thân.

Bài làm của CAO LÊ MỸ DIỆU:

Văn minh, hai chữ ấy xuất hiện tự bao giờ trong các từ điển không ai biết rõ, chỉ biết rằng nó đã rất quen thuộc trong cuộc sống hôm nay. Nó đã trở thành mục tiêu mà mỗi người, mỗi quốc gia, mỗi châu lục và cả nhân loại đang hướng tới. Là đúng hay sai khi các nước phương Tây thường tự hào về nền văn minh của họ. Có lẽ ai cũng có cái lý riêng của họ khi tán thành hay không tán thành ý kiến trên, nhưng để có cơ sở xác định mức độ đúng đắn của niềm tự hào trên, chúng ta cần đi sâu vào nghĩa thực của hai từ văn minh.

Văn minh bao gồm nhiều nội dung, khía cạnh khác nhau và không phải nhà văn minh học nào cũng thống nhất một khái niệm. Vì vậy muốn có một cái nhìn toàn diện để có thể rút ra một cách hiểu vừa đơn giản vừa tổng quát nhất, ta không thể chỉ dựa vào tình cảm cá nhân hay dựa vào một từ điển nào mà phải có sự tiếp nhận một cách có chọn lọc từ nhiều nguồn khác nhau.

Theo từ điển LaRouse Văn minh là toàn bộ tính cách riêng về đời sống vật chất của một quốc gia hay một xã hội. Đây là một khái niệm tương đối đầy đủ về từ văn minh. Cũng gần như vậy, Từ điển Littre giải thích Văn minh là gồm những ý kiến cùng tập tục, kĩ nghệ, tôn giáo, mĩ thuật, khoa học ảnh hưởng lẫn nhau mà thành.Hai cách giải thích trên có lẽ rất gần gũi với nhau, sự khác nhau cơ bản nhất chỉ là ở mức độ khái quát mà thôi. Nếu Littre đưa ra một khái niệm văn minh tương đối rõ ràng thì LaRouse cho ta một cái nhìn khái quát.

Trở về với ý nghĩa gần gũi hơn với người Á Đông, trên phương diện là một từ Hán - Việt, văn minh có ý nghĩa văn vẻ, sáng sủa, chỉ trạng thái tiến bộ của đời sống con người trong một xã hội, từ đó cũng có thể hiểu một dân tộc được gọi là văn minh khi đã được khai hóa. Từ điển Hán –Việt đã hoàn chỉnh thêm ý nghĩa của từ văn minh. Nó không đơn thuần chỉ là đời sống vật chất hay đời sống tinh thần mà đời sống phải đạt đến trạng thái tiến bộ mới gọi là văn minh.

Cụ thể hơn, Từ điển triết học giản yếu của NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã thu hẹp phạm vi văn minh chỉ còn ở phương Tây và văn minh theo quan niệm của xã hội tư sản. Ở phương Tây giai đoạn xã hội loài người thoát ra khỏi đời sống nguyên thủy, sự hình thành một tổ chức xã hội cao hơn gọi là văn minh. Còn đối với xã hội tư sản văn minh được quan niệm gồm ba thành tố Kĩ thuật, tổ chức xã hội và triết học.

Sống trong một xã hội tư sản hiện đại, người phương Tây tự hào về nền văn minh của mình là không sai. Bởi nếu chỉ xét đến ba yếu tố kĩ thuật, tổ chức xã hội và triết học thì rõ ràng so với những khu vực và châu lục khác thì phương Tây vượt trội hẳn. Không phải bằng những ngợi ca mị dân, không có cơ sở ở những bài diễn thuyết hay những sách báo thường ngày, mà sự vượt trội của phương Tây đã được chứng minh hết sức thuyết phục bằng những thành tựu chói ngời trong thực tế.

Nếu nói về kĩ thuật (yếu tố có vai trò quyết định trong quan niệm văn minh của xã hội tư sản), phương Tây là điểm xuất phát đầu tiên với cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh từ những năm 60 của thế kỉ XVIII. Không xét trên từng quốc gia mà nhìn vào tổng thể, rõ ràng phương Tây hơn hẳn phương Đông trong lĩnh vực này. Những cỗ máy đầu tiên được phát minh ở phương Tây. Chiếc máy hơi nước đầu tiên, đầu máy xe lửa đầu tiên cho đến những dây chuyền hiện đại, những phương tiện giao thông chất lượng cao, những công nghệ điện tử, tin học tinh vi ngày nay được sáng chế ở phương Tây cũng không phải là ít. Nhiều nước phương Tây dẫn đầu thế giới về nhiều mặt trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo máy và chinh phục không gian. Việc áp dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật để phục vụ cho nông nghiệp là nước Đức với việc thực hiện cơ khí hóa nông nghiệp ngay từ thế kỉ XIX, trong khi hiện nay nhiều nước phương Đông vẫn còn là những nước nông nghiệp lạc hậu. Những thành tựu dồ sộ về khoa học kĩ thuật của người phương Tây đã khiến nhân loại không thể phủ nhận sự tiến bộ vượt bậc của phương Tây trong lĩnh vực này.

Đi cùng với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, xã hội phương Tây có một tổ chức khá hoàn hảo. Tuy chưa đạt đến độ hoàn thiện của xã hội lí tưởng mà Max đã nêu ra nhưng cũng đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. Ở đây ta không so sánh sự khác nhau của cách tổ chức xã hội phương Tây và phương Đông mà chỉ nhìn nhận cách tổ chức xã hội phương Tây trên những ưu điểm. Phương Tây có một hệ thống nhà nước phân quyền, các tổ chức sinh hoạt đoàn thể có trật tự, có kỉ cương, nền dân chủ được đảm bảo một cách triệt để từ rất sớm, tinh thần dân chủ cũng được ý thức một cách đúng đắn. Đó là những biểu hiện rõ rệt nhất cho sự tiến bộ trong tổ chức xã hội.

Hơn người trong khoa học công nghệ, trong tổ chức xã hội và họ cũng không hề kém cỏi trong lĩnh vực triết học. Cùng với đà phát triển của xã hội tư sản, phương Tây là nơi xuất hiện nhiều học thuyết mở đường cho công cuộc nghiên cứu về sự phát triển của con người và xã hội. Đó là trào lưu Triết học ánh sáng với những nhà tư tưởng lớn như Vôn –te, Ru – xô, Mô – li – ê....Đó là các trào lưu triết học cổ điền Đức, lí luận về chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và nhiều học thuyết khác đã mở đường cho công cuộc nghiên cứu về con người và xã hội, phù hợp với đà phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Như vậy nền văn minh mà người phương Tây thường tự hào chủ yếu chỉ là sự tiến bộ của khoa học và xã hội mà chưa đề cập đến sự tiến bộ trong chính bản thân của mỗi con người.Nếu hiều văn minh giản đơn chỉ là những tiến bộ về khoa học kĩ thuật để phục vụ cho đời sống con người thì quả là một thiếu hụt khá lớn. Cái nhìn, quan niệm về văn minh của người phương Tây còn phiến diện. Sự phiến diện ấy đôi khi có thể dẫn con người đến hố sâu của tội ác và dã man. Thực tế, phát minh khoa học mà không có lương tri thì chỉ là sự tàn phá tâm hồn, sử dụng khoa học mà không có lương tri thì chỉ hủy diệt lòng nhân. Sự phát triển khoa học trở nên vô nghĩa khi con người dùng khoa học để hủy diệt chính con người, mà hai cuộc chiến tranh thế giới là một ví dụ. Sự phát triển của khoa học cũng không thể gọi là văn minh khi hệ quả của nó là sự tàn phá chính môi trường sống của nhân loại, môi trường bị ô nhiễm, tầng ôzôn mỏng dần, hiệu ứng nhà kinh, mưa a xít....

Một nền văn minh thực sự đáng được tự hào chỉ có thể có khi mọi người đều được thừa hưởng giá trị của nó. Nền văn minh phương Tây, người ta hãnh diện vì đem lại cho con người một cuộc sống đầy đủ về vật chất. Nhưng liệu sự đủ đầy ấy có dành cho tất cả hay chỉ phục vụ cho một số ít những con người thuộc tầng lớp thượng lưu. Thực tế nhiều người dân phương Tây chưa bao giờ được hưởng những ân huệ từ khoa học kĩ thuật bởi những chính sách kì thị màu da, phân biệt chủng tộc. Sự bất công ấy không chỉ xuất hiện trong tiền thân của xã hội tư sản (xã hội chiếm hữu nô lệ, khi người Anhđiêng phải chốn chạy vào rừng sâu trên chính mảnh đất tổ tiên, khi người da màu bị coi là một thứ hàng hóa để buôn bán mà chúng ta vẫn thường gọi là nô lệ) mà nó còn xuất hiện ngay trong xã hội tư sản. Trong thế chiến thứ hai, phát xít Đức đã thực hiện chính sách phân biệt chủng tộc cực kì tàn bạo. Người Xlavơ (Nga, Ba Lan...) bị coi như nô lệ, có thể bị bắn, giết bất cứ lúc nào. Riêng người Do Thái bị Đức giành cho giải pháp cuối cùng,nghĩa là tiêu diệt toàn bộ (Năm 1945, đã có hơn 5 triệu người Do Thái bị giết hại). Cho đến ngày nay, tình trạng kì thị, bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư vẫn tiếp diễn ngay trong quốc gia được xem là đỉnh cao của nền văn minh, Hoa Kì. Thực tế cho thấy, ở Mĩ người da màu khó tìm việc hơn, nạn bạo hành có nguy cơ cao hơn đối với người da đen và hiện chỉ có khoảng 20% người da đen có mức sống đạt mức trung bình của nước Mĩ.

Một dân tộc không phải chỉ có văn minh trong đời sống vật chất mà còn có sự tiến bộ trong tâm hồn mỗi người, cụ thể hơn cả trong lối giao tiếp, xử sự giữa người với người. Người phương Tây trong cách giao tiếp không phải là không có cái hay nhưng có đôi lúc họ quá cuồng nhiệt hoặc lại quá lạnh lùng. Tình người được thể hiện tương đối dè dặt. Hơn thế nữa, nền văn minh của một quốc gia còn phải được đánh giá qua yếu tố tự nhiên hay nói cách khác là phong thổ của quốc gia ấy. Nếu chỉ nhìn vào thành quả của vật chất thì những quốc gia có điều kiện tự nhiên thuận lợi như Hoa Kì, các nước Tây Âu...tất nhiên sẽ hơn hẳn các nước có khí hậu khắc nghiệt như Nhật Bản, hầu hết các nước Châu Phi...

Chính những lí do trên khiến cho niềm tự hào của người phương Tây về nền văn minh của họ có phần chưa chính đáng. Từ những định nghĩa văn minh đã nêu ở phần trên, ta có thể thấy một nền văn minh thực sự bao giờ cũng phải có sự kết hợp hài hòa giữa vật chất và tinh thần. Tinh thần ở đây không phải là những tư tưởng triết học hay giáo lí tôn giáo mà là chất người trong mỗi con người tồn tại trong xã hội. Lòng nhân thường rất ít đổi thay. Chính vì vậy sự thay đổi trong xã hội chủ yếu chỉ diễn ra ở khía cạnh vật chất, còn tinh thần hầu như vẫn tồn tại với những tinh túy trong hồn thiêng dân tộc vốn đã được chắt lọc từ ngàn đời. Nói đúng hơn, trong một xã hội văn minh cần có cùng lúc sự tồn tại và phát triển đồng thời của vật chất và tinh thần. Nếu vật chất phát triển theo chiều đi lên thì tinh thần lại đi vào chiều sâu của tâm hồn.

Cũng có thể hiểu theo cách khác, một nền văn minh thực sự là một nền văn minh không có mâu thuẫn, đối kháng nhờ mọi người tự giác lao động để phát triển vật chất. Con người tự gạt bỏ tham-sân-si để trong sáng hơn về tinh thần. Như vậy nếu xét văn minh theo đúng nghĩ với hai chữ văn minh mặc dù xã hội hiện nay đã đạt đến đỉnh cao của khoa học kĩ thuật. Để làm được điều ấy, mỗi con người phải tự ý thức được vai trò, chỗ đứng của mình trong xã hội. Để từ sự ý thức ấy, ta có cái nhìn rộng lượng hơn với cuộc sống. Bởi văn minh xã hội chỉ bền vững khi người ta đã có một tinh thần văn minh. Và cố nhiên giáo dục cũng có một vai trò không nhỏ trong việc đào tạo nên những con người văn minh cả trí tuệ và hành động. Để có thể tạo nên những con người như vậy, đó phải là một nền giáo dục khai phóng, khoa học và nhân bản.

Các nước phương Tây dù đúng hay dù sai, chính đáng hay không chính đáng đều có quyền tự hào về nền văn minh của họ. Và chúng ta chỉ có thể nhìn nhận nó mà không thể phê phán nó trên bất cứ một danh nghĩa nào. Họ có quyền tự hào về những thành tựu mà tổ tiên họ đã làm được. Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì sự tiến bộ của văn minh phương Tây quả thực hơn người.

Để có một nền văn minh thực sự, chúng ta phải có một quan niệm đúng đắn về văn minh. Sự phát triển về vật chất là hết sức cần thiết, hết sức cần thiết, nhưng sự phát triển về tinh thần cũng không kém phần quan trọng. Dù thiếu đi ở bất cứ khía cạnh nào thì cũng không thể gọi là văn minh cho dù khía cạnh còn lại có phát triển đến đâu. Bởi những giá trị văn hóa là vô giá. Bởi Văn hóa chính là cái còn lại khi người ta đã quên hết, chính là cái vẫn thiếu khi người ta đã học đủ cả.

Đề bài:

Trái tim hoàn thin nht là trái tim có nhiu mnh vá.

Bài tham khảo 1:

DÀN Ý:

I/.Mở bài:

-Giới thiệu vấn đề.

-Nêu cái nhìn tổng quát về vấn đề.

II/.Thân bài:

-Trái tim hoàn thiện là trái tim của con người giàu lòng nhân ái, vị tha, là trái tim biết yêu thương và chia sẻ, chấp nhận hi sinh bản thân để mang đến niềm vui đích thực cho những người xung quanh.

-Trái tim ấy có thể vì người khác mà làm tổn thương đến bản thân, biết lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của chính mình. Niềm hạnh phúc ấy có thể xem là mảnh vá lỗ thủng của thương tổn.

-Từ việc trình bày những suy nghĩ của mình về câu nói, rút ra một cách sống tốt, có ý nghĩa trong xã hội hiện nay.

III/.Kết luận:

Kết luận lại vấn đề.

Bài làm của CAO LÊ MỸ DIỆU:

Một kẻ thấp hèn hay một người cao thượng, một kẻ khốn cùng hay một người giàu sang đều có thể sở hữu những chiếc áo với hàng trăm mảnh vá. Nhưng một trái tim nhiều mảnh vá chỉ có thể có ở một con người trọn vẹn nhất ở chữ nhân, sang trọng nhất ở chữ tâm và đẹp đẽ nhất ở chữ đức. Bởi trái tim hoàn thiện nhất không phải là trái tim trong như ngọc, bóng như gương mà là trái tim có nhiều mảnh vá.

Một chiếc áo có nhiều mảnh vá không thể là một chiếc áo hoàn thiện. Vậy có mâu thuẫn không, có khập khiễng không khi cho rằng trái tim hoàn thiện nhất là trái tim có nhiều mảnh vá? Để nhắc nhở chính mình, để hiểu rõ hơn giá trị thực sự của cuộc sống, con người lại nhiều khi tự mình đặt ra những triết lí chứa đựng không ít mâu thuẫn. Sự đồng nhất hai trạng thái trái ngược nhau của trái tim, hoàn thiện và có nhiều mảnh vá, có lẽ là một trong những mâu thuẫn lạ lùng ấy. Nhưng liệu nó có thực sự là một mâu thuẫn hay sự trái ngược kia chỉ là vẻ bề ngoài của một hạt nhân triết lí sâu sắc, thâm thúy mà không phải ai cũng hiểu rõ khi mới nhìn qua? Câu trả lời chỉ có thể có khi ta có một quan niệm đúng đắn về một trái tim hoàn thiện.

Một trái tim hoàn thiện không phải là trái tim thủy tinh trong suốt được đặt trong tủ kính để ngày ngày ta ngắm nhìn, cũng không phải là trái tim của con người chưa từng nếm trải nỗi đau và càng không phải là trái tim của một con người ngoại trừ bản thân không còn biết đến hạnh phúc của ai khác. Bởi nếu chỉ có vậy đó chỉ đơn thuần là một trái tim lành lặn, có thể nó đẹp nhưng cái đẹp bề ngoài thường không bền vững và có ai dám chắc rằng nó sẽ đứng vững trước những sóng gió không thể không có trên đường đời, có ai dám chắc rằng trái tim lành lặn kia sẽ không vỡ tan, sẽ không chết trong một va chạm rất nhỏ. Bởi nó là trái tim chưa cảm nhận hết những cung bậc cảm xúc của một trái tim vốn có.

Cái tính từ cao quý hoàn thiện chỉ có thể đặt vào trái tim một con người giàu lòng vị tha, một con người biết yêu thương và muốn chia sẻ, biết hi sinh và muốn mọi người hạnh phúc, biết cho và muốn cho nhiều hơn là biết nhận và muốn nhận. Trái tim ấy biết được và cảm nhận được trên thế gian này có hạnh phúc nhưng cũng không thiếu nỗi đau, có nụ cười nhưng cũng không hiếm nước mắt. Trái tim ấy có thể chấp nhận sự thiệt thòi về mình mà không hề toan tính thiệt hơn, có thể chấp nhận dùng sự tổn thương của chính mình để làm vị thuốc chữa lành sự tổn thương của người khác.

Nhưng con người vẫn là con người. Họ không phải là Thánh, càng không phải là Bồ Tát rộng lượng vô biên. Nếu chỉ biết nhận về mình những khổ đau liệu trái tim ấy có đủ sức chống chịu trong cái trăm năm ngắn ngủi của cả một đời người, có đủ rộng lớn cho quá nhiều những vết thương trú ngụ. Nhưng không, chữ nếu kia mãi mãi là một giả thiết không thể thành hiện thực. Bởi quan trọng hơn sự hoàn thiện của một trái tim còn ở chỗ biết tự tìm lấy niềm vui trong nỗi khổ đau, biết nhận lại khi đang cho và biết lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình. Đó chính là những mảnh vá chắc chắn nhất, khéo léo nhất cho những lổ thủng thương tổn trong tâm hồn. Và có lẽ chính những mảnh vá ấy là sự đảm bảo đáng tin nhất cho sức sống của một trái tim. Một trái tim đã đủ sức mạnh mẽ để vượt lên trên sự ích kỷ, đủ năng lượng để chiến thắng những nỗi đau tất nhiên cũng sẽ đủ dũng khí để tiếp tục đón nhận sự hi sinh và quan trọng hơn là để tiếp tục tồn tại.

Những mảnh vá tâm hồn là hiện thân của nỗi đau mà cũng là hiện thân của hạnh phúc. Là nỗi đau khi trái tim phải chịu sự thương tổn vì người khác nhưng lại chính là hạnh phúc khi nó hiểu được ý nghĩa của sự hi sinh, khi nhận ra sự hy sinh kia là xứng đáng, khi nó cảm nhận được hạnh phúc của người khác trong nỗi đau của chính mình. Những mảnh vá tâm hồn là yếu tố quyết định cho một trái tim hoàn thiện. Nhưng để có được những mảnh vá ấy hay đúng hơn là để vá nó vào những lỗ thủng của trái tim không phải là chuyện dễ dàng. Y học hiện đại có thể dùng những viên thuốc, những dao kéo, những tia lase để chữa lành những tổn thương nghiêm trọng của cơ thể. Rồi một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng, những vết thương tưởng chừng như có thể cướp đi sinh mạng của con người cũng sẽ lành lại, cả về sẹo của nó cũng không còn nhờ vào kĩ thuật hiện đại của y học. Nhưng không có một bác sĩ y khoa nào, không có một thiết bị hiện đại nào có thể chữa lành vết thương của tâm hồn, cho dù nó chỉ là những vết thương rất nhỏ. Vị thuốc tiên thời gian cũng khó lòng xoa dịu lại những vết thương lòng. Bởi vết thương trong trái tim chỉ có thể được chữa trị bằng những vị thuốc của tâm hồn. Đó là những vị thuốc với cái tên hy sinh, vị tha, yêu thương, chia sẻ..., những vị thuốc đặc trị cho riêng tâm hồn.

Tác phẩm độc đáo nhất và cũng kì lạ nhất của tạo hóa chính là tâm hồn con người. Có lẽ vì thế mà những vị thuốc dành cho tâm hồn cũng rất kì lạ. Nó không được bào chế từ một công trình nghiên cứu nào mà tự sản sinh trong hồn người.Con người từ khi sinh ra đã là ngôi nhà chung của cái thiện và cái ác, của lòng vị tha và sự vị kỉ. Dòng đời theo năm tháng chảy qua hồn người và cuốn trôi gần như tất cả. Những gì còn lại cho con người là không nhiều nhưng cũng không quá ít, nó đủ để làm nên một trái tim, đủ để nhận thức được một con người là cao cả hay hèn mọn. Vai trò quyết định của những gì còn lại cuối cùng ấy giúp ta đi đến một khẳng định, những mảnh vá tâm hồn để làm nên một trái tim hoàn thiện có hay không là bởi chính sự rèn luyện của con người. Trước dòng đời, ta thả trôi cái tốt và giữ lại cái xấu thì dễ nhưng để giữ lại cái tốt và rời xa cái xấu lại không hề dễ dàng. Bởi vậy, để có thể lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình, để có thể cảm nhận thật trọn vẹn hạnh phúc dù cho đó là hạnh phúc của người khác, ta phải tự mình dệt nên những mảnh vá bằng chính chất người trong con người mình. Có thể sẽ không ít người lắc đầu cho đó là một việc khó. Điều đó đúng, nhưng khó chưa hẳn là không làm được.

Cuộc sống và những con người trong cuộc sống ấy một lần nữa đã khẳng định khả năng thực hiện của việc mà không ít người cho rằng khó có thể trờ thành hiện thực.

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người

Không phải ngẫu nhiên mà Tố Hữu đã thốt lên những lời thơ ấy. Trái tim của Bác, trái tim của người cha già kính yêu của dân tộc, trái tim của mặt trời cách mạng Việt Nam

Bài làm của CHÂU NGUYỄN UYÊN THƯ:

Khoa học đã chứng minh tình yêu không xuất phát từ trái tim, mà là từ khối óc. Mặc dù vậy không ai phủ nhận trái tim là một biểu tượng đẹp đẽ của lòng thương, của tình yêu, bởi vì từ “trái tim” mang một ý nghĩa gần như là tình cảm chứ không phải là lí trí. Mỗi giây trái tim đập là mỗi giây chúng ta sống để cảm nhận yêu thương xung quanh mình. Có những niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng cũng có nhiều nỗi buồn, những mất mát, tổn thương...mà đôi khi nó hằn sâu trong trái tim ta thành những vết thương đau đớn và dai dẳng. Nhưng rồi thời gian sẽ chữa lành những vết thương ấy, để lại những vết sẹo, nhưng bù lại chúng ta sẽ có một trái tim từng trải và sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ rút kinh nghiệm từ những vết thương của chính mình để không làm lại nó với một ai khác. Bởi vì trái tim sinh ra không phải để chưng trong lồng kinh, mà để cho và nhận máu để nuôi dưỡng cơ thể, cũng như cho và nhận yêu thương để nuôi dưỡng tâm hồn. Người ta gọi những trái tim ấy là trái tim hoàn hảo.

Trong cuộc sống có những người chỉ chăm chăm tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình thêm đẹp đẽ, bắt mắt, xa hoa mà không để ý rằng tài sản quý giá nhất của họ - trái tim – là mới thực sự cần làm đẹp. Nhưng làm đẹp bằng cách nào? Không phải để trái tim ấy trong lồng kính, không phải thu mình lại để sống cho riêng mình...vì làm như vậy thì trái tim, nguyên lí hoạt động vốn là cho và nhận – sẽ chết dần chết mòn như nước trong hồ Biển Chết. Để làm đẹp cho trái tim chỉ có một cách duy nhất là làm đẹp cho tâm hồn. Phải biết đẹp cho trái tim chỉ có một cách duy nhất là làm đẹp cho tâm hồn. Phải biết sống vị tha, vì người khác, biết yêu thương một cách sôi nổi và chân thành....thì trái tim mình mới giàu sức sống, nhịp đập mới càng sâu sắc, mạnh mẽ. Trong quá trình ấy tất nhiên không tránh khỏi những tổn thương, những đau khổ, sẽ trở thành những vết thương trong tim, vì Yêu là chết ở trong lòng một ít-Cho thật nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu-Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết” (Xuân Diệu). Nhưng những nỗi buồn sẽ giúp con người trưởng thành hơn, những vấp ngã để đứng lên, những nỗi đau để biết cảm thông, chia sẻ với người khác. Trái tim sẽ cóp nhặt những đau buồn ấy để tạo nên một sự hoàn thiện bên trong nó, đó là sự hoàn thiện về tâm hồn, nhân cách và bản lĩnh sống. Một con người có trái tim đẹp đẽ

No comments: