Wednesday, April 11, 2012

Xóm đồ chơi_Lưu Thị Lương

Xóm đồ chơi_Lưu Thị Lương-truyện đồng thoại

Chuyện dưới gốc bắp cải

Dưới chân núi, có một ngôi làng chuyên nghề trồng bắp cải.

Đến mùa thu hoạch, bắp cải nhìn giống như những bông hồng khổng lồ màu xanh xám, còn bông cải thì bung ra, như đám bọt xà phòng phồng lên trắng xóa trong chậu giặt đồ.

Cứ đến dịp đó, lại có một đám người tí hon dọn đến làng. Người nào người nấy nhỏ bằng ngón tay út. Họ làm nhà ngay dưới những gốc bắp cải. Khi chủ vườn cắt cải, dân tí hon chạy nhốn nháo và la chíu chít “Coi chừng, đứt tóc tôi đấy!”, “Ối! Sập nhà tôi rồi!”.

Dân làng bắp cải phiền lòng ghê lắm. Đang vội mà cứ phải mắt la mày liếc, trông chừng không để ý xảy ra tai nạn. Cả làng đồng ý, từ nay cấm cửa không cho dân tí hon đến nữa.

Năm sau, dưới gốc bắp cải không có một người tí hon nào, nhưng lúc nhúc những sâu là sâu. Bọn sâu vừa ăn vừa đục khoét. Cải bắp, bông cải méo mó, xấu xí, không bán được.

Dân làng nhờ chim chóc đi tìm, và mời những người bạn tí hon đến ở như xưa. Người tí hon có món đặc sản, trứng sâu chiên giòn cuộn bắp cải. Họ chăn nuôi sâu. Sâu thành nhộng. Nhộng đóng kén, kéo kén sẽ có tơ dệt vải, may quần áo. Không kéo tơ, nhộng sẽ lột xác thành bươm bướm.

Hết mùa bắp cải, dân tí hon leo lên lưng bướm và bay trở về làng của họ, ở đâu đó trong bụi cỏ ngọt lừ.

Cọng rơm nổi mụn

Một buổi sáng kia, cọng rơm khô vàng hoe thấy ngưa ngứa khắp mình mẩy. Từ đầu cổ tới chân tay nó mọc lên những mụn nhọt dày đặc, như những hạt lúa dính trên cành, hồi nó còn đứng ngoài cánh đồng lao xao xào xạc lá.

Cả đám bạn đều bị giống như nó. Nhưng mà không thấy đau đớn gì cả, chỉ thấy hơi vương vướng mà thôi.

Ở đây sao tối mò mò, chẳng biết hỏi ai, mình bị bịnh gì nữa.

Càng ngày mụn nhọt càng to thêm. Chúng dính thành chùm, đứa mập ú, đứa cao, có đứa bung dù, đội nón.

Bây giờ thì xóm rơm quá ồn ào, vì bọn mụn nhọt cái lớn cái nhỏ giành ăn với nhau.

Và một ngày nữa, bỗng nhiên sáng chói lòa. Tiếng người ta reo “Nấm tốt quá”.

Thì ra, những cái mụn nhọt ấy là nấm rơm. Nấm rơm dùng để nấu cháo, chiên trứng, kho tiêu….món nào cũng ngọt lừ, thơm phưng phức mùi nấm.

Hôm nay là ngày giỡ nấm ra khỏi cọng rơm để đem bán ngoài chợ.

Cọng rơm thấy nhẹ cả người. Nó vươn vai, chờ gió thổi nó bay bổng về lại thửa ruộng đầy nắng và mát mẻ đã một thời nuôi nó lớn lên. Nó sung sướng nằm xuống, hóa thân vào đất cho cánh đồng tươi tốt.

Cái chén biết nói

Ngày xưa, đồ đạc dùng trong nhà như chổi, bàn ghế, nồi niêu…đều biết nói tiếng người. Nhưng vì bận việc chuyên môn của mình như chổi phải quét nhà, nồi phải nấu ăn, nên chúng chỉ nói khi cần thiết.

Ví dụ đèn thều thào bảo:

-Tôi cạn hết dầu rồi.

Ví dụ cửa rên kèn kẹt:

-Tôi bị long bản lề rồi.

Chén bát thì lên tiếng đếm số lần người ta xới cơm vào lòng nó. Đặc biệt, sau khi con người dùng xong, nó biết tự rửa ráy. Rồi leo lên, nằm úp mặt trên chạn bát.

Một hôm, chén đựng cơm và chén đựng các loại nước chấm (nước tương, nước mắm, mắm tôm…) cãi nhau.

Chén cơm gào to:

-Xê ra. Hôi quá!

Hôm đó, nhà con người ăn mắm. Chén mắm nổi giận, nhảy tọt vào lòng chén cơm. Nó lăn lộn, trây trét những vệt mắm còn dính tèm lem trên mình nó qua chén đựng cơm.

Chén ăn cơm chỉ biết tự rửa theo kiểu của nó thôi. Nó cứ kỳ cọ mãi tới lúc thấm nước và lạnh run cầm cập đến nổi mẻ cả miệng. Mà vẫn chưa bạt hết mùi mắm.

Con người vừa tiếc của, vừa sợ bẩn nên phải rửa giùm nó.

Từ đó, chén bát không phải tự rửa nữa.

Nhưng nếu ai lười nhác, rửa không sạch, cái chén sẽ kêu lên nhắc nhở đấy.

Đom đóm bật đèn

Buổi sáng vừa mới ngủ dậy, đom đóm con giật bắn cả mình. Nó ngồi bệt xuống sau kẹt cửa, khóc tỉ tê. Đom đóm mẹ mắt nhắm mắt mở, dịu dàng hỏi:

-Vì sao con khóc? Nói mẹ nghe nào.

Đom đóm con òa khóc to hơn. Nó thét lên từng hồi chói tai như dế gáy:

-Mẹ ơi! Con bị bệnh nặng rồi.

Đom đóm mẹ cuống quýt, sờ chân sờ đầu đứa con đang khóc bù lu bù loa.

Đom đóm con mếu máo kể lể. Trong lúc nó nói, đốm sáng nhợt nhạt ở chót đuôi của nó cũng rung rung theo từng nhịp sụt sịt.

-Đèn của con sắp tắt rồi.

Đom đóm mẹ thở phào, dỗ dành:

-Con không bệnh gì cả. Đừng sợ.

Đom đóm con rên rỉ, ỉ ôi:

-Hu hu. Tối nay con sẽ không đi rước đèn được nữa. Mẹ mua cho con cái đèn khác đi mẹ.

Đom đóm mẹ bật cười trìu mến, rồi giảng giải:

-Con phải nhớ tập quán của giống loài chúng ta nhé. Ban ngày đèn sẽ mờ, ban đêm đèn mới sáng lên. Con nhìn đèn của mẹ bây giờ mà xem.

Đom đóm con thấy đuôi của mẹ nó cũng đang nhấp nháy xanh xao, và trắng bệch yếu ớt. Ôi! Hết sợ rồi! Vui quá! Tối nay, cả xóm đom đóm sẽ lại sáng lên ánh đèn xanh xanh diệu kỳ mờ ảo, trải đều lên khắp các bụi cây um tùm.

Hạt mưa đi chơi

Ngày xưa, khi khủng long còn bay lượn trên trời, thì một hạt mưa to bằng trái dừa chưa lột vỏ.

Mỗi lần mưa, nước đủ dùng cho cả năm.

Mỗi năm chỉ làm việc một lần. Hạt mưa không có việc gì làm, nó đi rong chơi khắp nơi.

Đến một nơi gọi là Bắc cực, ở đó lạnh quá, hạt mưa bị đông cứng lại, không nhúc nhích được. Nó kêu “Ai….ai cứu…ứu…tôi…ôi…với….ới”. Chỉ có những tiếng vang dội vào những tảng băng trả lời cho nó. Hải cẩu giật mình lặn sâu xuống nước. Gấu trắng, cáo trắng hỉnh mũi đánh hơi rồi bỏ đi.

Ở bắc cực, sáu tháng ban đêm, sáu tháng ban ngày. Nó đã ngủ đã mấy lần sáu tháng rồi? Trong thời gian đó ai làm mưa dùm cho nó?

May quá, có bà Chúa Tuyết đi ngang qua. Bà cho nó mượn cái rổ, mà bà dùng để rây tuyết mịn xuống trần gian. Hạt mưa nghiến răng chịu đau. Nó lăn lộn trong cái rổ, tự bào mòn mình.

Cái rổ đã mài dần hạt mưa to thành những hạt nước li ti, như đám hơi nước bốc lên từ tô cháo nóng hổi.

Vì chỉ là những hạt bụi nước, nên từ đó đến nay, một năm phải mưa rất nhiều lần mới đủ nước dùng cho muôn loài.

Khu rừng bằng sành

Người ta làm một khu rừng nhỏ ngoài sân, sát ngay cánh cổng lưới đan bằng những cây sắt to bằng chiếc đũa.

Khu rừng có một cái hồ xi măng. Trên mặt nước lúc nhúc hàng trăm con cá tròn lẳn như cọng bánh canh. Con nào cũng có một chùm đuôi bảy màu óng ả. Đôi khi ánh mặt trời chiếu tới, hồ nước giống như đang mọc cầu vồng. Bên trên hồ, mấy chùm dương xỉ rậm rạp tõe lá lòa xòa, giữ cho khu rừng luôn ẩm ướt.

Chung quanh hồ nước có một bãi sỏi trắng. Trên sỏi có bốn anh em vịt trắng mỏ vàng, hai vợ chồng ếch da xanh bóng, một con bồ nông đứng co chân, một con rùa xám nghểnh cổ.

Nhưng hòn sỏi không nói gì, chỉ lăn qua lăn lại, kêu lạo xạo mỗi khi có người bước lên chúng.

Những đêm không trăng, chờ mọi người ngủ say tít, nguyên bầy thú ấy kéo nhau đi gặp bà con bạn bè ở công viên, hoặc khu vui chơi trẻ em. Nói chung là nơi nào có đặt những con thú bằng gốm giống như chúng. Để đánh dấu đường về nhà, chúng ngậm đầy mồm sỏi, rắc dọc đường đi.

Những hòn sỏi chẳng bao giờ kể với ai chuyện bí mật của khu rừng bằng sành. Đám sỏi dần dần hao hụt. Lâu lâu chủ nhà phải mua đổ thêm vào.

Kìa trông con nhện chăng tơ

Nhện anh đã dệt xong cái lưới cho riêng mình. Mặc dù có hơi xộc xệch một tí, nhưng bền chắc lắm. Và rung rinh rất đúng điệu.

Xong việc, nhện anh nằm thu lu rình mồi. Phía bên trái cái lưới của nhện anh, chỗ mà người ta đặt một cái cây treo quần áo, có mấy con muỗi ăn no căng bụng đang bàn nhau tối nay sẽ chích ai trong nhà. Chừng nào nói chuyện chán chê, chúng sẽ bay dạo vài vòng, cho tiêu cơm.

Mẹ đã dặn, nhện anh phải chăng tơ gần đó. Ăn no căng bụng, thế nào bọn muỗi cũng mất thăng bằng, vướng ngay vào lưới cho xem.

Nhện em gọi với sang:

-Hồi nãy anh giăng lưới từ trong ra ngoài, hay từ ngoài vào trong?

Nhện anh giơ bốn cái chân bên phải lên. Ý nói, đừng làm ồn.

Nhện em cũng muốn làm cho mình một cái lưới hình bát giác, có nhiều đường chỉ óng ánh, như tất cả các con nhện đã làm trong nhà tắm, trong kẹt cửa. Nhưng nó còn nhỏ, mẹ chưa dạy.

Nhện em đành ngồi im mà ngó. Bọn muỗi vẫn còn vo ve. Cái lưới của nhện anh trống không.

Ngồi im mãi dễ ngủ gục. Nhện em thót bụng, nặng ra một ít tơ. Rồi co hết chân tay, túm lấy sợi tơ đó, đu đưa. Nó muốn đi ra cửa ngóng mẹ về.

Nhà bếp của vua

Có một con ruồi bay thế nào không biết, mà lạc ngay vào nhà bếp cung vua.

Nghe các bác đầu bếp thì thào hôm nay là sinh nhật của vua, ruồi len lén đi xem thức ăn đãi tiệc.

Súp gạch cua đỏ như xôi gấc. Tôm hùm nướng to như trái bắp lúc chưa lột vỏ. Gà rút xương, vịt quay, heo sữa nhồi ngũ quả, tất cả xỏ thành xâu treo lủng lẳng như tấm rèm cửa. Giò lụa, chả quế, nem chua xếp thành hình con rồng đang uốn lượn…Ôi! Sao mà nhiều món ngon đến thế!

Ruồi bay mãi, bay mãi vẫn không thấy bánh kem đâu. Nó hạ cánh đáp xuống, bám chặt vào một cây cột cao. Mắt ruồi trợn tròn, đảo quanh bốn phía tìm kiếm.

Suýt tí nữa thì ruồi ta tuột tay té ngửa. Ối chao! Nó đang đậu trên một cây nến cắm trên bánh kem. Khiếp quá! Mới chỉ bay vòng vòng trên mặt bánh mà đã mỏi nhừ cả bốn cánh rồi.

Ruồi nghĩ bụng “Khi họ đốt nến, mình sẽ phỏng nặng đấy. Mau chạy thôi”.

Chả nghĩ đến chuyện nhấm nháp thức ăn của vua nữa, con ruồi đi lạc cắm đầu cắm cổ bay thoát ra ngoài.

Nghe nói, hôm ấy tất cả những ai dự tiệc được vua ban bánh kem đều bị đau bụng suốt đêm.

Sự tích cầu vồng

Ngày xưa, có một người con gái sống bằng nghề dệt lụa.

Bí quyết của nàng là dùng hoa lá cỏ cây để nhuộm màu cho từng sợi tơ.

Lá sương sâm nhuộm màu xanh lá cây, lá dứa nhuộm màu xanh ngọc. Củ nghệ nhuộm màu vàng. Trái mồng tơi nhuộm màu tím. Trái gấc nhuộm màu cam. Hoa lựu nhuộm màu đỏ….

Lụa ấy khi đưa ngang lên tầm mắt thì thấy óng ánh như tia nắng, lúc treo lên thì thấy mềm mại như dòng suối chảy luồn qua khe đá.

Một hôm, có cơn gió to, thổi bay những tấm lụa đẹp tuyệt ấy lên tít tận trên trời.

Các nàng tiên thích lắm. Họ cố công tìm cách dệt cho bằng được những màu sắc hài hòa như thế.

Suốt ngày họ ngồi suy nghĩ, chả chịu làm gì cả. Những đám mây không có người giũ cho phồng xốp, nên bầu trời âm u, ẩm ướt vô cùng. Đến nỗi ở dưới trần gian, có một chú cóc sửa soạn lên trời lần nữa, để kiện thưa như tổ tiên của chú ngày xửa ngày xưa.

Nhớ lại trận náo loạn thiên đình ấy mà sợ, vợ của ông trời bèn cho mời cô gái khéo tay kia dạy nghề cho các nàng tiên.

Thỉnh thoảng, ở dưới trần gian nhìn lên, thấy có một dải lụa bảy màu khổng lồ nằm vắt ngang trời. Ấy là lúc tiên trên trời đem lụa ra phơi.

Tại sao mèo không coi nhà

Ngày xưa, khi con người còn sống theo lối bầy đàn, cả xóm cùng ở chung trong một cái hang thì chó và mèo chẳng có việc gì để làm cả.

Về sau, loài người bắt đầu có của cải riêng và biết chia nhau nhà ai ở nhà nấy, thì chó và mèo được giao nhiệm vụ coi nhà, giữ của.

Có người lạ vào, chó sủa váng lên để báo động. Mõm chó nhe ra những cái răng to như ngón tay. Người lạ sợ khiếp vía, vừa la vừa chạy.

Mèo nói: “Meo meo. Mắt tôi sáng quắc, nhìn xuyên qua bóng tối. Tôi sẽ coi nhà ban đêm”.

Đêm đến, thấy có kẻ lạ vào nhà, mèo xốc hết mười tám cái móng nhọn hoắt ra để cào cấu. Nhưng móng vuốt của mèo nhỏ như cọng bún, chẳng làm đau đớn bao nhiêu. Tiếng kêu của mèo cứ meo meo méo méo êm tai, nên chủ nhà đang ngủ say tít không nghe được. Tệ nhất là khi người lạ vuốt ve sống lưng của mèo, thì nó lại lim dim mắt, kêu rừ rừ khoái chí, chẳng còn chống cự gì cả. Thế là đêm hôm đó, đồ đạc lớn bé trong nhà mất sạch.

Xấu hổ quá, mèo chui vào kẹt tủ, gầm giường. May thay, mèo tóm được mấy con chuột nhỏ bằng lỗ tai mèo.

Từ đó, mèo ngủ ban ngày. Ban đêm mèo thức suốt, để rình bắt những kẻ trộm tí hon là bầy chuột nhắt.

Sự tích tiếng kêu của loài vật

Trời ra lệnh cho Thiên Lôi truyền sấm xuống trần gian. Sấm rền vang, hẹn ngày mai, lúc mặt trời vừa hửng sáng, tất cả các muôn thú, có lông, có vẩy, có cánh, có chân, hoặc không có những thứ đó đều phải lên trời. Vì vật không biết nói tiếng người, trời sẽ ban cho nó tiếng kêu.

Gà trống bồn chồn suốt đêm không ngủ được. Vừa mờ mờ thấy đường đi là nó lên đường ngay. Trời thấy nó đến sớm nhất, bèn cho nó tiếng gáy ó ò o đánh thức muôn loài.

Chim bay theo bầy, phải chờ nhau, nên đến sau gà trống. Vì thế, trời cho chim hót líu lo, phụ giúp việc báo thức cho gà trống.

Lần lượt các con vật như mèo, heo, beo, dê, dế, tê giác...đều được Trời ban cho tiếng kêu riêng.

Nhưng đến chiều tối, những con sau đây vẫn chưa tới: cá, cua, tôm, ốc, hến, sò, mực, bạch tuộc. Trời chợt nhớ ra. Chúng sống trong nước, mà đường đi từ đất lên trời không có một dòng sông nào cả.

Con gián trốn trong kẹt vách, nên không nghe thông báo.

Con nhện giăng lưới xong thì tới giờ Trời đóng cửa.

Con kiến vừa đi vừa tha mồi, vác nặng, đi chậm nên đến trễ.

Đó là lý do tại sao những con vật này cứ lặng im sống suốt cuộc đời của nó.

Xóm đồ chơi

Trong xóm đồ chơi tối nay có khách lạ. Đó là một con rùa nhồi bông, màu xanh lá mạ.

Vì nó là con rùa giả nên không biết rụt đầu, co chân vào dưới cái mai rùa. Nó cứ nằm xòe bốn tay chân, che kín mít, làm cả xóm ngộp thở muốn chết.

Khủng long máy rất muốn cắn cho nó một miếng. Nhưng bộ điều khiển khủng long nằm trên bàn học. Không có người ba61mn nút, khủng long chỉ biết nhe răng dọa nạt. Vì vậy con rùa chả sợ tí nào, nó vẫn cứ nằm chè bè, đè lên tất cả. Cả xóm bực bội lăn qua lộn lại, đụng chạm tùm lum.

Thế là con rùa rụng lông tung tóe, làm kẹt luôn đường ray xe lửa.

Búp bê biết nhắm mắt mở mắt và cười he he thì kêu thét:

-Ối! Nó hôi mùi chó.

Cả đêm, xóm đồ chơi ngủ không yên giấc, Trời vừa sáng thì con rùa bỗng nhiên bay lên. Có tiếng bà chủ la rầy:

-Milu hư quá. Cái gối trên ghế phòng khách mới mua, mà nó đã tha đi giấu ở thùng đựng đồ chơi rồi.

Lủng lẳng trên tay bà chủ, con rùa nói:

-Cám ơn các bạn đã cho mình ở nhờ.

Xóm đồ chơi thấy hơi ngượng. Con rùa đã giúp chúng nhớ lại bài học mà chúng đã quên “Phải biết giúp người hoạn nạn”.

Sự tích cá ba đuôi

Long vương có lệnh mở hội thi “Ai bơi đẹp nhất?”.

Tất cả các loài vật sống dưới nước đều được tham gia. Cá, tôm, cua, sò, mực, sứa, hải quỳ, sao biển, cầu gai...

Nhiều kiểu bơi độc đáo được sáng tạo ra. Cá mực phóng giật lùi. Cua bò ngang. Tôm cong lưng búng tanh tách.

Có một cô cá nhỏ vừa siêng năng, vừa sành điệu ăn mặc.

Mải suy nghĩ tìm kiểu dáng, cô đâm sầm vào một đám rong phổ tai vừa rộng bản, vừa dài lê thê lướt thướt. Thế là một ý tưởng nảy ra.

Cô nhặt những tấm lưới mỏng, mềm, trong veo, óng ánh của nhện nước.

Cô mượn càng cua có răng cưa, để vết cắt có tua rua, so le.

Cô nhờ ốc “nhả thật nhiều nhớt, vừa dẻo vừa dính lâu”.

Và cô đã gắn vào đuôi ba miếng lưới thật to.

Cô đã đoạt giải đặc biệt. Kiểu bơi bình thường, nhưng ba cái đuôi uốn éo uyển chuyển như váy áo của vũ công múa hát trên sân khấu, làm ngẩn ngơ bao nhiêu chàng binh tôm tướng cá. Mặc dù người cô tròn trịa như quả trứng gà (như thế mới đủ sức căng đỡ bộ vây vi tha thướt.

Từ đó, nhà tạo mẫu cá ấy dọn nhà vào sống trong hồ cá kiểng, để gìn giữ ba cái đuôi quý hiếm của mình.

Cánh rừng ở trên trời

Cây cối trên cánh rừng của trời xanh tốt quanh năm, không héo úa. Vì nếu lá cây rụng xuống thì trần gian sẽ bị ngập lụt.

Những dòng suối đầy nhóc tôm, cá, cua, ốc, hến, ếch, nhái, ễnh ương, nòng nọc, rắn nước.

Trong rừng chỉ có những loài vật hiền lành như sóc, thỏ, chuồn chuồn, cào cào, bươm bướm, bọ ngựa, cà cuống, dế, ve sầu, chim chóc, le le và cò trắng.

Một hôm, có con rầy nâu bị gió thổi bay tuốt lên trời.

Ôi thôi! Nó sung sướng hút rồn rột, no nê căng bụng các loại nhựa cây tươi, vừa ngọt vừa mát vừa thơm, không hề nghe cái mùi thuốc rầy khét lẹt, đắng ghét.

Rồi một hôm nữa, con rầy nâu ấy trong lúc khoái chí vuốt râu, tình cờ soi mặt vào giọ sương trong suốt như gương.

Nó giựt bắn người. Vì thấy mặt mũi, cánh cẳng của mình không giống ai cả. Ở cái chỗ ngon lành này, nó chỉ có một mình.

Con rầy no đủ tức thì xệ cánh, cụp vòi xuống, khóc ầm lên, làm vang động cả khu rừng.

Mặc cho nhiều ý kiến khuyên rằng cứ ở đây “sướng như tiên”.

Con rầy nâu cô độc dứt khoát khăn gói về lại dưới trần gian.

Mặc dù ở đó có thuốc trừ sâu, tiệt cỏ, diệt rầy nguy hiểm, nhưng nó có bạn có bè.

Cào cào áo đỏ áo xanh

Ngày xưa có người thợ may nổi tiếng một vùng.

Có tên quan hung ác ra lệnh:

-May cho ta một chiếc áo đặc biệt. Trời nóng mặc thì mát, trời lạnh mặc thì ấm.

Người thợ dùng vải màu xanh, gợi cảm giác mát mẻ, phủ bên ngoài. Khi nóng nực có thể mở nút chiếc áo ấy ra. Bên trong vẫn còn một chiếc áo khác, bằng lụa trắng mỏng tanh, trong suốt.

Vì chiếc áo rắc rối cầu kỳ như thế, nên người thợ phải miệt mài khâu ngày, khâu đêm cho kịp. Hai bàn tay bị kim đâm, rướm máu. Khi may xong thì lớp áo lót trắng tinh đã bị lấm lem. Bởi những vết máu đã thấm vào từng sớ vải, nổi lên những đường gân hồng hồng.

Đến ngày giao áo, tên quan bắt lỗi chiếc áo đã hỏng, không chịu trả tiền công.

Tuy nhiên, đó vẫn là một chiếc áo lạ mắt, hắn tò mò khoác thử. Bỗng một cơn gió lùa đến, đẩy đưa làm chiếc áo nhiều lớp phất phơ, phe phẩy.

Tên quan vụt bay bổng lên cao. Và không thấy về nữa.

Từ đó, trong vườn, ngoài ruộng xuất hiện một loại côn trùng phá hoại cây trồng. Đó là tên quan xấu xa đã bị biến thành con cào cào.

Tuy mặc áo đẹp, nhưng bản chất độc ác, nên hắn vẫn đục khoét, ăn hại như xưa.

Chị em bầu bí

Ngày xưa có hai chị em cùng mẹ khác nhau.

Vì đã được nghe kể chuyện Tấm Cám, nên họ biết sống thương yêu, hòa thuận mới là người tốt.

Đất nước bị xâm lăng. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Người chị có chồng nên chỉ còn người em tòng quân ra trận.

Người đất nước hòa bình, đồng đội của người em mang về cho người chị một nắm đất nơi người em ngã xuống.

Người chị đem nắm đất đặt bên hè nhà, nơi hai chị em thường cùng nhau ngồi vá áo, sàng gạo, nhặt rau, chải đầu bắt chí.

Một hôm, từ nắm đất ấy mọc lên mọc một cây lạ. Cây càng lớn càng nẩy nhiều dây, nhiều ngọn, nhiều tua. Chúng bò lan mặt đất, có vẻ muốn bám lên cột nhà.

Người chị làm một cái giàn cho cây leo lên. Buổi trưa, người chị ngồi dưới giàn cây cho con cái nhổ tóc sâu, mà không bị nắng.

Cây cho trái thon thả như bắp tay con gái. Vỏ màu xanh đậm, trong ruột trắng ngà. Nấu canh ăn vừa ngon vừa mát.

Khi người chị qua đời, giàn cây có thêm một loài cây leo khác. Nhưng trái lớn hơn, vỏ màu xanh nhạt. Hai loại cây quấn quýt bên nhau như lúc chị em còn chung sống.

Tên gọi ở nhà của chị là chị Bầu, em Bí. Nên người ta lấy tên của họ đặt cho hai loại trái đó cho tới bây giờ.

Con lợn nhà giàu

Ngày xưa có một anh nhà giàu nhất làng. Anh không thể đếm nổi trong sân nhà mình có bao nhiêu gà, vịt, ngan, ngỗng.

Bởi vì anh chỉ có một mình.

Không cha mẹ, anh em vì anh là con một.

Không bà con, bạn bè vì anh sợ người ta nhờ vả.

Không có vợ, vì anh kén mãi vẫn chưa được.

Điều kiện kén vợ của anh như sau:

Một là, không có họ hàng thân thích.

Hai là ăn uống đạm bạc, tằn tiện.

Tất cả những cô gái mồ côi cha mẹ, nghèo và rất nghèo, hăm hở và tò mò đến gặp anh.

Anh nhà giàu đứng chống nạnh giữa sân. Với ai, anh cũng chỉ xem đôi bàn tay. Tay nào có vết chai sần thì anh mời ăn bữa cơm. Tiếng là cơm, nhưng chỉ có cháo và rau. Rau là món nộm bằng thân cây chuối thái rối, mà nếu có lấy đũa xóc lên tìm mãi, thì cũng chẳng thấy một miếng tôm, thịt nào cả.

Chỉ mới ngó qua mâm cơm đãi khách đó, người nghèo nhất cũng lắc đầu ngao ngán, và thẳng thắn từ chối lời cầu hôn của anh.

Nhiều năm trôi qua, anh nhà giàu đã thành ông cụ già lụm khụm, phải ngồi ghế bố khi kén vợ.

Rồi một hôm, ông cụ nhà giàu ấy lặng lẽ qua đời.

Vì không làm điều gì xấu nên ông được ưu tiên chọn kiếp đầu thai. Nghĩ mình làm người nữa thì cũng chẳng lấy được người vợ như ý, ông bèn xin Diêm Vương cho thử sống cuộc đời loài vật xem sao.

Từ đó, trên thế gian có một con vật tượng trưng cho sự giàu có của loài người. Nuôi con vật ấy rất ít tốn kém, chúng chỉ ăn cơm thừa canh cặn, ăn thứ rau rẻ tiền như rau lang, rau muống mà cứ lớn nhanh như thổi.

Đặc biệt là con vật đó tới hai tên gọi. Nơi này thì gọi là lợn, nơi khác thì gọi là heo.

Nàng công chúa lười

Ngày xưa, có một nàng công chúa lười...ăn.

Mỗi bữa ăn phải dùng đến hàng chục cung nữ và chú hề.

Những chú hề thay nhau làm trò. Còn các cung nữ thì chờ khi nào công chúa cười, họ sẽ nhanh tay tọng một muỗng thức ăn vào miệng cô.

Một hôm, công chúa nói “Trò cũ xì! Ta thuộc rồi”.

Công chúa rời khỏi chiếc ghế dát vàng, chạy lon ton ra sân, chúc đầu xuống, định xoay một vòng.

Nhưng vì chưa quen, nên công chúa không làm được.

Thế là các chú hề và các cung nữ xúm lại. Kẻ đỡ chân, người giữ tay công chúa.

Tập mãi. Tập mãi. Khi tự xoay được một vòng tì váy áo công chúa đẫm mồ hôi. Công chúa khóc “Ta khát nước lắm”. Cả bọn cùng xúm xít uống nước suối mát lạnh, không phân biệt chủ tớ gì cả. Hết khát, công chúa kêu lên: “Ôi. Đói bụng quá!”.

Hôm đó, nhờ vận động tay chân nên công chúa nghiến ngấu ăn hết một tô cơm, hai cái nem công, ba lát chả phụng, một chén canh rau thập cẩm hầm với xương rồng. Phần còn lại, công chúa cho đám người hầu, vì họ cũng đang đói bụng.

Hôm đó, vui nhất là vua cha và mẫu hậu. Từ nay, họ đã biết cách chữa bệnh lười ăn cho công chúa.

Đám cưới rùa

Có một con rùa kiểng được nuôi trong nhà.

Nó lớn lên cùng chú bé đã mua nó bằng tiền lì xì Tết.

Lúc mới mua về, rùa nhỏ bằng trái cóc và ăn cá nhỏ. Bây giờ nó đã to bằng trái thanh long và ăn cá lớn. Nhưng rùa vẫn bơi trong cái chậu nhựa rộng rãi và tròn như cái bánh tráng mè.

Chú bé lớn dần lên, đi học, đi làm, lấy vợ. Vợ của chú là một cô gái rất khéo tay. Trái bưởi vào tay cô biến thành con chó xù. Quả trứng biến thành thiên nga.

Trong đám cưới của chú bé, rùa ta cũng được ăn cỗ.

Người ta cho rùa ăn một chiếc bánh bông lan, bên trên đặt một con rùa bằng kem sữa tươi. Cũng có hai sọc màu đỏ ở hai bên cổ, giống y như con rùa nuôi trong chậu nhựa, nhưng rùa kem mặc áo đầm.

Lúc cô dâu cúi xuống đưa bánh cho rùa, thì dải khăn voan mỏng tang cài trên tóc cô chấm vào con rùa kem.

Mọi người rối rít lau chùi mảnh khăn bị lấm, không ai nhìn thấy con rùa kem đang rùng mình, biến thành con rùa thật.

Thế là hôm đó rùa cũng được làm đám cưới luôn.

Về sau, rùa có đông con hơn cậu chủ vì vợ rùa đẻ trứng.

Vì sao gà mái không biết gáy

Ngày mà gà trống được Trời ban cho tiếng gáy o o, thì gà mái đang bận ấp cho xong ổ trứng sắp nở.

Khi về tới chuồng, gà trống bắt đầu dạy cho gà mái gáy.

Ngày thứ nhất, gà mái vốn chăm chỉ siêng năng nên cố gắng học suốt ngày. Từ sáng đến trưa, đến nỗi quên cả việc đẻ quả trứng cho ngày hôm đó.

Ngày thứ hai, gà mái tập nhảy lên những chỗ cao. Vì đứng dưới đất, tiếng chỉ luồn vào những đống rơm rồi mắc kẹt luôn trong đó, nghe chả hay tí nào.

Chuyện nhảy nhót làm gà mái mất sức, và không thể tạo ra quả trứng cho ngày tiếp theo.

Nhưng bù lại, gà mái đã biết gáy.

Buổi trưa ngày thứ ba, sau hai ngày mới có một quả trứng, gà mái sung sướng quá, gân cổ, gáy váng lên.

Ngày xưa, con người chưa có đồng hồ. Tiếng gà mái gáy làm cho họ lẫn lộn giờ giấc hết cả lên. Không phân biệt được lúc nào thức dậy làm việc, lúc nào nghỉ ngơi nữa.

Trời phải lục lọi mãi trong nhà kho, mới tìm được cho gà mái một tiếng kêu khác.

Từ đó, khi nào đẻ trứng thì gà mái mới được kêu:

-Cục ta cục tác.

Trong suy nghĩ của gà mái, bốn tiếng đó có nghĩa là “được ca được hát”.

Hoàng tử muối

Trong hoàng cung có rất nhiều hoàng tử. Viên quan phụ trách phải đánh số thứ tự để dễ làm việc. Ví dụ như may quần áo, phát quà sáng, tổ chức sinh nhật....

Theo truyền thống, ngôi vua chỉ truyền lại cho hoàng tử mang số 1 mà thôi. Vợ của các hoàng tử tiếp theo, tất nhiên, không được gọi là hoàng hậu.

Hoàng tử số 100 đi ra chợ. Vì chàng học được rằng “Trai khôn tìm vợ chợ đông”.

Chàng đi qua hàng cá, hàng gạo, hàng rau, hàng bún, hàng đậu hũ,...

Chỗ nào chàng cũng nói mình là hoàng tử muốn đi tìm vợ, chứ không tìm hoàng hậu. Vì vậy, chả ai thèm bắt chuyện với chàng.

Cô chủ hàng muối thì khác.

Cô đố hoàng tử, muối dùng để làm gì.

Hoàng tử nói, muối dùng để nêm nếm thức ăn. Nhưng cô gái bảo chưa đủ.

Hoàng tử kể ra những món ăn chỉ làm bằng muối.

Muối mè, muối đậu phộng, muối sả, muối tiêu, muối ớt, muối tôm....Cô gái vẫn lắc đầu.

Hoàng tử nói mãi, khản cả giọng. A nhớ rồi. Ngậm nước muối có thể bớt viêm họng đấy.

Thế là cô hàng muối đồng ý lấy hoàng tử, vì cô nói chàng là người có hiểu biết.

Từ đó, ở trong cung, khi điểm danh tới hoàng tử 99, thì người ta gọi tiếp theo là “hoàng tử muối”.

Hươu cao cổ tập đi

Bé hươu cao cổ mới lọt lòng mẹ. Bé nằm co ro trên đám cỏ vừa dày vừa êm.

Cái đầu nhọn như trái đu đủ của bé ngọ nguậy qua lại.

Cái cổ đã dài như cán cây lau nhà mà vẫn phải duỗi căng ra hết cỡ, mới nhìn thấy đôi mắt long lanh sung sướng của mẹ ở tít trên cao. Cặp sừng trên đầu mẹ ngang với ngọn cây keo.

Mẹ uyển chuyển hạ thấp cái đầu xuống. Thúc nhẹ cái mõm êm mượt lên mũi bé, mẹ bảo:

-Đứng lên nào. Mẹ con mình đi tìm suối.

Hươu con loạng choạng nhổm dậy. Những cái chân dài lêu nghêu run rẩy. Mẹ luồn cái cổ mềm mại dưới bụng bé, giúp bé đứng vững hơn.

Rồi bé bắt chước mẹ cách dùng bốn cái chân dài thườn thượt.

Một. Chân bên phải phía trước bước lên. Hai. Chân bên trái phía sau bước tiếp. Ba. Chân bên trái phía trước nhấc lên. À. Phải nhớ ve vẩy cái đuôi nữa.

Đi đi đi. Ôi! Nắng quá! Xa quá!

Bỗng bé té lăn quèo. Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Thì ra bé hươu cao cổ tuy mới đẻ, nhưng đã cao bằng cây kiểng trồng trong sân trường mẫu giáo rồi. Mải lo nhìn chân mẹ, nên bé vướng vào một lùm cây.

Cào cào, châu chấu, chuồn chuồn đang nghỉ chân trên cây, thế là giựt mình, bay lên rào rào. Nghe như tiếng vỗ tay khuyến khích bé hươu cao cổ tập đi.

Nhật thực và nguyệt thực

Ngày xưa có hai nàng công chúa.

Công chúa chị có mẹ đỡ đầu là bà tiên sống ở cung trăng. Bà thường ghé chơi vào ban ngày, vì ban đêm bà bận trông chừng ánh sáng cho mặt trăng.

Công chúa em có mẹ đỡ đầu là bà tiên sống ở mặt trời. Bà thường ghé chơi vào ban đêm, vì ban ngày bà bận thổi lửa cho mặt trời tỏa nóng.

Một hôm trên trời xảy ra nguyệt thực, mặt trời đi ngang qua mặt trăng.

Thế là hai bà tiên bị đổi chỗ cho nhau.

Từ đó, họ cũng phải đổi việc làm. Bà tiên mặt trăng lo giữ lửa suốt ngày, bị nắng ăn nám cả mặt. Bà tiên mặt trời thì thức suốt đêm, đi khắp mặt trăng để thắp đèn, nên bị bệnh mất ngủ.

Nhưng nguy hiểm hơn cả là do hai bà tiên không quen việc, nên ở trái đất cứ rối tung cả lên. Có khi, mọi người đã ăn xong cơm chiều rồi mà mặt trời vẫn còn nắng chói cả mắt. Hai chị em công chúa rất muốn giúp đỡ mẹ đỡ đầu của mình. Sau khi xin phép và từ giã cha mẹ, hai nàng đi nhờ một cơn gió thần, lên tới mặt trăng, mặt trời.

Còn vua cha và hoàng hậu thì cứ ngóng chờ. Rồi sẽ có lúc, vũ trụ sẽ xảy ra nguyệt thực hay nhật thực lần nữa chứ. Lúc đó hai nàng công chúa tốt bụng và hiếu thảo ấy sẽ trở về thôi.

Giọng khàn như vịt đực

Ngày xưa, vịt đực và vịt mái có tiếng kêu giống nhau. Cạp cạp, hoặc cạc cạc tùy theo cảm nhận của người nghe.

Có một con vịt đực nhỏ tập bơi.

Khi đã biết ve vẩy cái đuôi và quẫy đạp bàn chân, nổi lềnh bềnh trên mặt nước như những cánh bèo tai chuột, nó thấy con mương trong vườn cây ăn trái chật hẹp quá chừng.

Một hôm, nó xuôi theo dòng nước nhỏ đó, xuyên qua những vườn cam, quít, bưởi, xoài, sầu riêng, măng cụt, đến con lạch dẫn ra sông lớn.

Nhưng đối với con vịt chỉ bằng trái su su, thì sông lớn không thể tả. Sóng nước dập dềnh làm ríu cả chân, chóng cả mặt.

Con vịt lính quýnh bơi về. Đúng ngay lúc nước ròng, con lạch dẫn vào mương cạn sát đáy, không còn nước để bơi nữa.

Con vịt nhỏ đành phải đi bộ suốt đêm. Mỏi chân, nó lăn ra ngủ ngoài trời đầy sương. Thế là nó bị cảm lạnh và khản cổ.

Về tới nhà, nó chỉ phát ra những tiếng “khạc khạc” nhỏ xíu.

Lắng nghe mãi, cả nhà vịt đoán rằng nó đang kể chuyện đi lạc.

Từ đó trở đi, vịt đực không kêu to như vịt mái được nữa.

Vì thế mới có câu “khàn như vịt đực” để chỉ những giọng nói, giọng hát kém phần trong trẻo, êm tai.

Con heo ở trong cuốn sách

Chị Bi đang học lớp lá. Má mua sách về dạy chữ trước cho chị Bi.

Tí mới học lớp chồi, nhưng Ti ham đọc chữ lắm.

Lúc nào chị Bi ngồi học, Ti cũng ngồi kế bên. Ti tròn mắt nhìn, dỏng tai nghe từng lời của má với chị Bi.

Má kể hồi ăn thôi nôi Ti, khi bày đồ đạc cho bé lượm để dựa vào đó mà đoán mai mốt bé làm nghề gì, thì Ti đã đưa hai tay chộp lấy mấy chữ cái a, bờ, cờ bằng nhựa xanh đỏ đưa vô miệng gặm liền. Khi giằng ra được thì chữ đã dính nước miếng tùm lum.

Một hôm có khách tới nhà, thấy Ti đang ngồi chăm chú, cuốn sách mở rộng để trên đùi. Và Bi đang đọc um sùm.

-Me. Bê.Bò.

Mọi người thấy lạ quá, xúm xít lại coi. Trời ơi! Lật vô trang nào, chỉ vô chữ nào, Ti cũng đọc trúng vanh vách.

-Lá sen. Con nhện.

-Giỏi quá! Thông minh hết biết.

Được khen, Ti khoái chí, chỉ ngón tay vô sách, đọc tiếp:

-Con heo.

Ai nấy nhìn nhau, bật cười nghiêng ngả.

Vì ai cũng nhìn thấy trong trang sách đó không có chữ heo, chỉ có chữ lợn thôi.

Ti chưa biết chữ, nên cứ coi hình mà đọc. Trong sách, có hình con heo mẹ nằm giữa một bầy heo con. Con vật có cái mặt bự, lỗ mũi to, cái đuôi nhỏ xíu quăn quíu đó, chung quanh Ti, ai cũng gọi đó là con heo mà.

Cá lớn cá bé

Trong hồ kiểng rộng rãi, chỉ có một con cá tai tượng màu đỏ, vây đuôi màu đen. Một con thôi. Nó sống và bơi một mình. Lờ đờ, chậm chạp nhưng không hiền lành.

Bởi vì người ta đã bỏ mấy thứ vào đây, cho nó đỡ buồn.

Lần thứ nhất là mấy nhóc cá bảy màu. Mình bằng trái ớt hiểm. Đuôi xòa mềm rụi như cái nơ cột tóc có nhiều màu. Tụi cá nhỏ chưa kịp tung tăng đã bị cá lớn đánh đuổi ngất ngư, tơi tả. Thế là phải vớt ra.

Lần thứ hai, thả vô một cây rong xanh bằng nhựa có hoa đỏ hoa vàng. Con cá lồng lên. Nó húc bằng đầu, nó quật đuôi vào món đồ chơi. Sợ nó bị trầy vi tróc vẩy, người ta lại lấy đi. Vậy mà nó còn đảo qua đảo lại mấy vòng hồ, hai con mắt tròn xoe trợn trừng, gườm gườm.

Thế là từ đó, nó thành ra sống cô độc. Nó chỉ chấp nhận trong hồ có một cái máy thở, phun bọt khí sùng sục như nồi nước đang sôi. Hình như nó biết, nếu không có cái vật đó, nó sẽ ngộp thở, sẽ không bơi được nữa. Mà cá không bơi, nghĩa là cá chết.

Cá cứ sống một mình như thế, chẳng nhớ là bao lâu nữa. Cho đến một hôm, chủ nhà sửng sốt kêu lên:

-Ôi, coi kìa. Con cá bị ghẻ lở khắp mình.

Phải, nó đau đớn lắm. Nhưng nó không thể kể cho ai nghe cả. Không có một con cá nào kháctrong hồ. Mà nó thì lại không biết nói tiếng người.

Người ta tức tốc nhỏ thuốc, quậy mấy nắm muối mặn đến xót xa vào nước để chữa bệnh cho cá. Vài ngày sau nữa, người ta kêu trời:

-Thôi xong, con cá bị mù mắt rồi còn đâu.

Quả thật, hai con mắt đen như hột nhãn của nó bây giờ trắng đục như miếng xu xoa nước cốt dừa. Nó bơi vụng về, lắc lư, và thường xuyên đứng ỳ một chỗ, vẫy vẫy mấy cái vây, nghe ngóng, thăm dò. Cái hồ giờ đây rộng mênh mông và vô cùng nguy hiểm. Bởi nó hoàn toàn chẳng thấy được gì nữa hết.

Hôm qua, nó nghe một tiếng rơi xuống nước khe khẽ.

Rồi tiếp theo đó là những tiếng rẽ nước nhẹ nhàng, rón rén ở phía sau, ở bên phải, ở bên trái.

Con cá đã quá buồn, nó chẳng muốn đằng hắng đe dọa, cũng chẳng thiết quật đuôi, húc đầu nữa. Nó nghiêng tai nghe rõ giọng nói trẻ con, vang lên ngay trước mặt:

-Bác ơi, bác sắp va vào bộ lọc nước đấy.

Con cá lớn ậm ừ trong cổ họng, quơ vây lùi lại.

Ậm ừ như thế, ý là cám ơn ấy mà. Bởi vì nó ngượng mồm. Thôi để lần sau vậy. Con cá nhỏ còn giúp nó nhiều.

Con cá đi tìm nhớt

Trên trái đất, chỗ nào có nước là có cá. Chỗ sâu, nước nhiều thì cá lớn ở; chổ nhỏ, nước cạn thì cá nhỏ ở. Có những loại cá mà tên chỉ nghe qua thôi, cũng biết là rất to lớn như cá voi, cá mập, cá heo, cá ngừ đại dương...

Vì phải ngâm nước suốt cả đời, nên con cá nào cũng phải có một thứ gọi là nhớt để bảo vệ cơ thể. Nhớt sẽ ngăn không cho nước lạnh, nước bẩn ngấm vào da thịt của cá, giúp nó tránh được bệnh tật. Nhớt còn giúp cho cá bơi dễ dàng trong nước nữa.

Hồi xưa, ở dưới nước, có một hãng sản xuất nhớt, mọi con cá cứ đến lấy mà dùng. Miễn phí, không phải trao đổi bất cứ cái thứ gì cả. Việc phân phối nhớt xếp theo thứ tự từ nhỏ tới lớn. Thỉnh thoảng, cá nhỏ quá đông đúc thì cá lớn phải chịu nhận phần nhớt ít hơn ngày thường.

Cá voi càng lớn càng nhận thấy mình không đủ nhớt để bôi. Da nó bắt đầu khô. Từ đầu tới đuôi lan ra tất cả những vi, vây trên mình cứ nghe rêm rêm, đau nhức.

Một ngày nọ, cá voi nhất quyết đi tìm mỏ nhớt. Bơi mãi, bơi mãi, thế là lăn tòm vào biển rộng mênh mông. Cá voi nghĩ bụng:

-Chỗ này ở tốt đấy. Tha hồ lặn lội, chả sợ vướng phải đuôi ai.

Nhưng nước biển quá mặn, dần dần làm trôi hết nhớt của con cá to tướng ấy. Bù lại, muối đã làm cho da thịt nó săn chắc, cứng cáp, mạnh khỏe hơn.

Cá voi mừng quá, bèn truyền tín hiệu về cho làng cá.

-Ru ri rù ri ri ri ri...Cá nào muốn thay đổi chỗ ở, cứ bơi dọc theo suối, theo sông mà ra đây. Biển lớn, nước nhiều, sóng dữ.

Dân làng cá háo hức rủ nhau, lần dò ra đi, theo lời mời gọi của cá voi. Nào là cá nục, cá thu, cá bạc má, nào là cá chim, cá hồng, cá nhám, cá mòi...

Có một con cá nhỏ xíu, vậy mà không sợ sông dài đường nước xa xôi, nguy hiểm. Nó cứ bám theo bầy mà ra tới biển cả. Đó là con cá cơm.

Giun đất đi trên đường

Hôm nay là ngày chủ nhật hay ngày lễ không biết. Chỉ biết là có nhiều bàn chân người đang qua lại xoèn xoẹt, rần rần, rầm rập.

Đấy là nói theo kiểu than thở của xóm giun đất ở dưới những gốc cây, bãi cỏ trong công viên ấy mà.

Cả xóm giun đang nhức đầu bưng bưng vì bên trên cứ rung rung, rùng rùng như động đất vậy.

Có một con giun đất tò mò. Nó muốn ngó thử xem, chân người ta nhiều đến cỡ nào mà khiến trần nhà nó sắp sụp đổ tới nơi.

Nghĩ là làm, giun đất bèn ngoi lên, lắc mình để vẹt những cọng cỏ sắc đang cứa nhồn nhột cả người. Rồi nó vươn cổ ra, dò dẫm gạch viền dọc theo bãi cỏ. Nghe ồn ào lắm rồi. Nhưng chưa thấy bàn chân hay cái cẳng nào cả.

Vì thế, nó cứ duỗi người ra mãi để dò tìm. Thế là đang cheo leo trên hàng gạch, giun đất ta rơi toạch ra đường.

Ối! Đất gì mà cứng và nhám thế. Những hạt cát li ti bám chặt đầy mình, trong nháy mắt đã làm cho da nó khô khốc như cái lạp xưởng chưa nướng. Con giun đất cuống quít quằn quại, nghe đau rát hết từ đầu tới đuôi.

Bỗng có cái gì ươn ướt, lành lạnh xốc qua mình nó. Con giun bị nhấc bổng lên, treo toòng teng. Rồi ngay lập tức, nó nhận ra hơi đất mềm xộp, ẩm mát quen thuộc. Nó mừng quýnh, chui lấy chui để, cố về nhà cho nhanh. May quá. Chỗ đất ấy trống trải nên không có cọng cỏ nào cào trầy người nó cả.

Giun đất mải chui về đất. Nó đâu biết, còn lại trên đường một đứa bé đang phồng mang, phồng má vì trong miệng đầy kem lạnh buốt chân răng.

Không phải bé ăn tham đâu. Bé cớ ăn nhanh cho hết kem, để lấy que kem cứu sống con giun đất ấy.

Có con cá nhà quê

Khiếp! Sao lại là thế này?

Vừa rộng vừa sáng trưng, sáng lóa. Một bên thì xanh xanh đỏ đỏ mà theo bản năng giống loài, nó nhận ra có những đám rong đuôi chồn mập mạp và rậm rịt. Đó là nơi ẩn trốn rất thuận lợi và an toàn.

Vì vậy nó vội lủi ngay vào. Nhưng “bốp” một cái. Nó choáng váng, lắc lư, ở mõm nghe đau điếng.

-Khục khục. Khặc khặc. Đúng là đồ nhà quê. Giấy dán vách hồ, giả làm đáy biển mà cũng không biết.

Có tiếng cười sùng sục ở đâu đó. Nó đảo mắt tìm. Bên phải là một gã đốm đen đỏ. Giống cá gì lạ hoắc. Bên trái, một thằng tai tượng xám đen, dẹp lép nhưng dềnh dàng, hai sợi râu dài lê thê, quét sát đáy. (Nó đoán vậy. Vì chẳng thấy đáy thấy nền đâu cả, cứ trong veo trong vắt, chứ không chật chội, tối thui và gồ lên ở giữa một cục như cái lu quen thuộc mà nó vẫn bơi qua bơi lại, từ lâu nay).

Gã đốm đen đỏ chóp chép đôi môi dày vênh váo:

-À, ta có biết thằng này. Hồi nọ, con người thả cá vào cho ta ăn trưa. Tởm quá. Nó hôi tanh mùi bùn sình mấy cái ao, cái mương nhà quê. Ta không thèm đớp. Thế là họ phải đem nó đi. Chẳng biết tại sao bây giờ lại cho nó trở vào đây.

Thằng tai tượng ve vẩy đuôi phụ họa:

-Cá lóc mà bày đặt ở trong hồ kiểng. Thật là chướng.

Gã đốm trợn mắt:

-Sao ngươi biết nó là cá lóc?

Thằng tai tượng trở ngược đôi vây, lùi lại. Rồi ve vẩy tất cả các cái vây đang mang trên mình, đầy vẻ nịnh bợ.

-Dạ…tại thỉnh thoảng bọn cá lóc họ hàng nhà nó lại đi lạc vào ao nuôi của giống dòng nhà em, nên em có biết qua. Biết sơ sơ thôi ạ.

Gã đốm uốn mình, quay ngoắt đi chỗ khác. Nước cuộn lên làm con cá nhà quê gần bị sặc.

-Ọc ọc! (Hừm!) Tới hôm nay ngươi mới chịu tự thú có gốc gác quê mùa. Đồ…cá tháng tư. Ta là giống cao quý, chuyên sinh sống trong hồ cá cảnh, từ khi được lai tạo ra đến giờ. Không thể chung chạ với bọn cá tầm thường chúng bay được.

Đến giờ ăn, gã cá kiểng ấy còn chán hơn.

Con người thả từng nắm gì trắng tinh, mềm mềm. Con cá nhà quê lao vào, vểnh đuôi, ngốn nguyên cả cục to. Nó ăn hả hê, sung sướng, mê say.

Ối! Kinh khủng! Cả thằng tai tượng cũng nhâm nhi rất ngon lành. Nó vừa nhai vừa nói sùng sục:

-Cơm phải không? Ngọt ghê.

Thứ đồ ăn kỳ cục ấy làm nước trong hồ đục mờ, không thấy đường bơi qua bơi lại. Rồi lên men chua chua, thối thối. Khó chịu lắm. Gã đốm bực bội, chửi rủa bâng quơ, thì thằng lóc…liền đớp nagy vào giữa mặt. Không kịp né, gã té lăn vào đám rong bằng nhựa, cứng ngắc, đau điếng. Gã cá nuôi làm cảnh đâu biết. Lóc là loài cá dữ có tiếng trong các loại cá ở ruộng đồng. Nhưng gã cũng vốn là thứ cá dữ dằn. Nên chúng cứ đánh nhau văng nước ra ngoài.

Ướt nhà mãi, bực mình, người ta bắt cá lóc đi mất.

Thằng tai tượng đã quen mùi cơm, chẳng còn muốn mở mồm táp phầm phập những hột tròn li ti, chìm nổi lềnh phềnh trong hồ nữa.

Rồi nó ốm dần, mỏng teo. Cặp râu dài tha thướt gãy rời từng khúc, xấu xí.

Trong cái đầu óc cá của nó, nhung nhớ làm sao! Cái con cá nhà quê đã cho nó biết nhai hột cơm trắng ngần trắng ngà, ngon lành bổ dưỡng hơn biết bao nhiêu lần nuốt những viên đồ ăn xanh đỏ. Thứ bột con người

Dế mái không biết gáy

Chiều chiều, xóm dế rủ nhau ra bãi cỏ, ngồi hóng mát và thi gáy, suốt đêm đến sáng.

Dế phồng hai cái cánh bên ngoài lên,

Căn nhà của ốc

Hồi xưa, con người chưa biết làm ổ khóa. Có một người kia, tính tình đa nghi. Ngoài việc ra đồng cày cấy thì chẳng dám đi đâu xa, vì sợ mất mát của cải trong nhà mình.

Năm đó trời làm lụt lội rất to. Cả làng đành bỏ nhà chạy lên vùng núi cao. Còn người đa nghi nọ thì đóng cửa, cài then gài chốt bên trong thật chặt, rồi cứ thế mà ở lại, để giữ nhà, giữ của.

Khi nước đã rút đi hết, mọi người trở về làng cũ, dựng lại nhà cũ, chăn nuôi trồng trọt như xưa. Họ thấy ở ruộng lúa có một giống vật lạ. Nó có lớp vỏ bên ngoài màu nâu đen rất cứng, được đậy chặt bằng một cái nắp. Cố sức cạy nắp ấy ra thì bên trong là lớp thịt, mềm nhũn.

Đoán ra đấy là hóa thân của kẻ tiếc của đã ở lại làng, không đi tránh nạn lụt, nên người ta gọi đó là con ốc. Ốc trong từ Hán-Việt có nghĩa là nhà. Đi đâu, ốc cũng vác cái nhà trên lưng.

Khu rừng ngày khai trường

Vì mỗi loài thú có cách sinh sống khác nhau, nên lớp học phải chia ra rải rác khắp rừng.

Lớp học trong ao. Lớp học trên cây. Lớp học trên mặt đất. Lớp học dưới hang. Vì bố mẹ bận đi kiếm mồi nên thú con phải tự học để sinh tồn. Cá học cách không ăn nhằm mồi câu. Giun đất học cách đào cho đất tơi mềm xốp xộp, giúp ích cho bác nông dân. Hươu cao cổ học cách cúi đầu xuống để uống vũng nước dưới chân. Lạc đà học cách nhịn khát trên sa mạc. Kiến học cách tha mồi lớn hơn thân mình.

Riêng dơi và cú mèo, tối nay mới khai trường vì chúng học cách bay trong bóng đêm. Ve sầu đã đi học hát từ mùa hè rồi. Và chờ tới khi nào có mưa thì cóc, ếch, nhái, ễnh ương mới rủ nhau đi học hòa tấu.

Bầy thú con kêu réo mãi, mới thấy gấu con thò đầu ra cửa hang. Gấu con buồn bã nói:

-Mình không đi học đâu. Vì chỉ học 3 tháng thì tới mùa ngủ đông rồi.

Gấu là học trò đặc biệt vì nó có mặt ở nhiều lớp: bắt cá, đào củ, leo cây. Bọn thú con bèn hứa:

-Chúng mình sẽ chép bài dùm bạn. Nhưng bạn phải tự làm bài tập đấy.

Gấu con mừng quýnh. Nó vội vàng chạy đi học cùng chúng bạn.

No comments: