Wednesday, April 11, 2012

Nhungbailamvannghiluanxahoichonloc_nhiều tác giả

NHỮNG BÀI LÀM VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHỌN LỌC
246 BÀI LÀM VĂN CƠ BẢN VÀ NÂNG CAO
Chương 1: NGHỊ LUẬN VỀ NHẬN THỨC CUỘC SỐNG
Đề bài:
Nỗi tuyệt vọng đứng trước đường cùng, ai trong cuộc đời chẳng phải một vài lần đối diện? Để thoát khỏi nó, mỗi người cần có một sự lựa chọn khác nhau: có người thì buông xuôi phó mặc cho số phận đẩy đưa, có người lại tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài…, song thực tế cho thấy, những ai biết vượt qua thử thách bằng chính nghị lực và bản lĩnh của mình đều gặt hái được thành công. Người xưa dạy rằng: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.
Anh/ Chị hãy viết một bài văn ngắn về chủ đề “vượt lên số phận”.
Bài làm
Trong ba vạn sáu nghìn ngày của cuộc đời chúng ta, không chỉ có những ngày trời quang mây tạnh mà một nửa là mây mù u ám, mưa dầm gió bấc. Đường đời mà chúng ta đi, có thể bằng phẳng thênh thang, có thể sông ngăn núi trở, không thuyền không bến sang sông.
Sự thực đó chúng ta không thể thay đổi, nhưng chúng ta có thể thay đổi lòng mình. Những lúc như thế chúng ta hãy tự biến lòng mình thành chiếc thuyền qua sông. Có biết bao tấm gương vượt lên số phận khiến chúng ta không khỏi xúc động. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí bị liệt hai tay từ khi lên 4 tuổi. Năm 7 tuổi, ông đã quyết tâm tập viết bằng hai chân, dù khó khăn đến mấy, ông cũng miệt mài tập viết ngày đêm, cuối cùng ông đã làm được mọi việc bằng đôi chân kì diệu của mình. Với đôi chân ấy, ông đã viết sách, làm thơ, dạy học….Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kì diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”.
Khi sắp học lên tiến sĩ, Stephen William Hawking bị chứng bại liệt thần kinh không vận động nói năng được, ông mơ thấy mình bị xử tử, sau khi tỉnh giấc, bỗng nhiên ông ý thức được, nếu được xá tội, ông sẽ làm được rất nhiều điều có ý nghĩa. Từ đó ông như sống lại sau khi cứ ngỡ rằng tất cả tương lai của mình đã chết, ông kích hoạt lại đời mình, gấp con thuyền tư tưởng, bay thẳng vào vũ trụ huyền bí, thám hiểm hệ mặt trời, hố đen vũ trụ…Trong khổ nạn, sự thay đổi tư tưởng, suy nghĩ, quan niệm là phao cứu sinh, sẽ cứu lại sự sống, đưa thuyền đời vào chốn bình yên.
Có thể bạn và tôi không gặp đại tai nạn như họ, thế nhưng chắc gì chúng ta đã thực sự thoát khỏi cơn bão đi qua, chắc gì ngày mai bầu trời không còn mưa gió? Cuộc đời mấy ai học được chữ “ngờ”, đại nạn thường bất ngờ giáng xuống đầu khiến người ta tối tăm mặt mũi, mất hết tinh thần, khi đó chúng ta có lấy tơ sầu muôn mối cũng không kết thành dây cáp vượt sông, kết vạn mảnh lòng tan vỡ cũng khó ghép thành thuyền vượt sóng gió. Nỗi tuyệt vọng đứng trước con đường cùng, ai sống trong cuộc đời này mà chẳng phải một vài lần đối diện?
Có người biết tự thay đổi lòng mình, thay đổi quan niệm, gấp bản năng sinh tồn thành thuyền vượt sóng, tự đưa mình thoát khỏi vực sâu, có người thay đổi lòng mình, lấy những ham muốn kết thành dây cáp, tự giúp mình vượt ải gian lao.
Đề bài:
“Người chiến thắng thực sự không phải là chiến thắng người khác mà chiến thắng chính mình”. Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn bình luận câu nói trên.
Bài làm
Từ nhỏ tôi vô cùng sùng bái, ngưỡng mộ người hùng luôn giành chiến thắng trong các trận giao tranh, sùng bái những vị đại tướng chinh chiến dọc ngang trên chiến trường, bước lên thây giặc thù, sùng bái những vận động viên giành được huy chương vàng trong những lần thi đấu, rất nhiều, rất nhiều người và những lĩnh vực khác…
Nhưng lớn dần theo năm tháng tôi mới phát hiện rằng, tất cả sự chiến thắng kia đều hão huyền nếu bản thân người đại tướng chiến thắng muôn quân đó không chiến thắng nổi chính mình. Tôi cho rằng, chiến thắng bản thân phải được xem là sự chiến thắng cần được cổ vũ, đề xướng, mới là mục tiêu mà mọi người cần phấn đấu. Nikolai Alexeevich Ostrovsky chiến thắng bản thân nhờ thế mà cả thế giới mới biết ý chí của thép đã tôi luyện thế nào, Marie Curie chiến thắng bản thân nhờ thế mà bà hai lần nhận giải Nobel về vật lí…. Những ví dụ chiến thắng bản thân như thế chúng ta có thề tìm thấy rất nhiều trong lịch sử. Có thể nói rằng, tất cả sự thành công, tất cả sự chiến thắng của họ đều không thể tách rời việc họ đã tự chiến thắng của họ đều không thể tách rời việc họ đã tự chiến thắng được mình. Chiến thắng bản thân cần dũng khí hơn so với chiến thắng của người khác. Phật Thích Ca nói: “Chiến thắng muôn quân không bằng chiến thắng chính mình, vì chiến thắng chính mình chính là chiến công oanh liệt nhất”.
Muốn chiến thắng chính mình cần phải tôi luyện đủ mọi phẩm chất tốt, cần phải tổng kết kinh nghiệm để đưa ra phương pháp giải quyết. Nhà soạn nhạc nổi tiếng Beethoven để lại nhiều tác phẩm vượt thời gian, phần lớn những bài nhạc đó ông sáng tác sau khi ông bị điếc. Điếc là đại họa của con người, nhất là đối với nhà soạn nhạc, nhưng ông đã không buông xuôi ông nghĩ ra cách để chiến thắng chính mình. Ông sáng tác âm nhạc thông qua sự nhận thức về nhạc lí trong đầu, nhờ thế ông đã hoàn thành kiệt tác – bản giao hưởng Định Mệnh. Với ý chí ngoan cường ông đã nghĩ ra cách để chiến thắng chính mình. Chiến thắng bản thân chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình, bất luận người nào, thông minh hay ngu dốt, kiện toàn hay tàn tật chỉ cần người đó chiến thắng được chính mình thì sẽ đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Các bạn ạ, bạn đừng bao giờ xem sự chiến thắng của người khác là mục tiêu của mình, bạn hãy chiến thắng chính mình để cảm nhận đích thực ý nghĩa của chiến thắng đỉnh cao nhất trong tất cả chiến thắng.
Đề bài:
Sự hiện hữu của bạn chính là món quà cho thế giới này. Hãy sống trong niềm vui, sẳn sàng đương đầu với những gì sắp đến chứ không phải trong những phiền toái lo âu. Sống trọn vẹn mỗi ngày ngay từ bây giờ để mỗi ngày trôi qua trong cuộc đời đều là một ngày vui.
Bài làm 1:
Chỉ cần lòng mình luôn vui vẻ thì cuộc đời sẽ không có ngày những ngày bão táp. Hãy dành cho cuộc sống một nụ cười rạng rỡ, và đón nó trong sự lạc quan.
Không có trăm hoa đua nở sẽ khó cảm nhận được hơi thở ấm áp của mùa xuân; không có tiếng cười sẽ khó cảm nhận được niềm vui của cuộc sống.Tuy chúng ta đến với thế giới này tiếng khóc, nhưng chúng ta nên đón nhận cuộc sống bằng nụ cười, hãy dành cho cuộc sống một nụ cười tràn đầy sự kiên cường, lòng quả cảm và cả sự tự tin!
Hãy đem lại cho cuộc sống những điều tuyệt vời nhất!
Cuồng phong có thể cuốn ra bờ biển nhà cửa và làng mạc, cuốn đi tất cả mọi thứ nhưng không thể cuốn đi được niềm tin tất thắng vào việc cứu độ chúng sinh. Khi giông bão xâm chiếm bờ biển, bến cảng, cuốn trôi đê điều và các công trình kiến trúc, nhưng không thể cuốn trôi được nụ cười rạng ngời tràn đầy kiên cường và không thể cuốn trôi được sự sống đáng quý của con người.
Chúng ta không thể quên được sự đoàn kết của người dân địa phương tay trong tay, vai sánh vai chống lại nước lũ. Không quên được tình bằng hữu nhân nghĩa viện trợ từ các miền trên thế giới. Tuy không cùng màu da, không cùng chủng tộc nhưng trên khuôn mặt của từng người đều phảng phất một nụ cười, như tia nắng ấm áp của mặt trời xua đi những băng giá trong lòng người dân bị nạn.
Hãy dành cho cuộc sống một nụ cười rạng rỡ đầy kiên cường, bình tĩnh, yên lặng đối mặt để đón nhận, giải quyết những khó khăn trở ngại tạm thời và đón nhận một ngày nắng ấm.
Hãy dành cho cuộc sống một nụ cười rạng rỡ đầy dũng cảm, dám làm những việc mà người thường không dám làm, hóa giải sự mê muội trong tâm can, vì bản thân mình và vì mọi người mở ra một con đường mới bằng phẳng, rộng rãi.
Hãy dành cho cuộc sống một nụ cười tự tin để vượt qua chính mình, vượt qua những việc mà ta thường cho là không thể làm được. Nụ cười rạng ngời tự tin đã báo đáp niềm kiêu hãnh của một dân tộc, dâng nên ngọn lửa đầy hi vọng.
Hãy dành cho cuộc sống một nụ cười rạng ngời thuần khiết, bất luận bạn đang đứng trên đỉnh điểm của thành công hay tận cùng của thất bại, bất luận vì yêu thích mà hưng phấn hay vì hận thù mà đau khổ, hãy mỉm cười chân thật, cười để nhìn thấy cuộc sống đi lên, cười để thấy xuân đến rồi đi,cười để thấy được thăng trầm của cuộc sống.
Hãy dành cho cuộc sống một nụ cười rạng ngời khoan dung, vui cười để đón nhận muôn sự vạn vật, dùng sự tự tin và độ lượng, dùng kiên cường và điềm đạm đấu tranh với vận mệnh, vẫy chào khó khăn, đón nhận cuộc sống!
Để chúng ta rạng rỡ nụ cười đón chào vạn vật với muôn hình muôn vẻ, bước đi trên con đường nhân sinh muôn sắc, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp!
Bài làm 2:
Trong cuộc sống điều làm người ta xúc động nhất đó là tình cảm.Nhờ có tình yêu mà cuộc sống có ý nghĩa.
Chúng ta có tình yêu của bố mẹ, tình bạn hữu, tình yêu thương kính trọng của người khác đối với mình…Nếu người nào sống trong một thế giới đầy tình yêu thì người đó sẽ vô cùng hạnh phúc và ngược lại một người đến với thế gian này mà không được mọi người đón nhận thì đó là nỗi đau không gì sánh bằng và cuộc sống không bằng địa ngục.
Tình yêu tồn tại khắp nơi, trần gian đầy ắp tình yêu. Có lẽ bạn sẽ bị bố mẹ trách mắng vì phạm phải sai lầm nào đó; có lẽ bạn sẽ làm những việc nguy hiểm mà bị người khác trách mắng…Khi bạn bị bố mẹ thầy cô và bạn bè trách mắng tức là bạn đang nhận được tình yêu từ họ. Tục ngữ có câu: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vì thật ra “cho roi cho vọt” là sự thể hiện tình yêu thương quan tâm của người khác lúc bạn mắc sai lầm, thể hiện tình yêu thương mênh mông và quan tâm giúp mình tránh những lỗi lầm, đau khổ. Những lúc như vậy ta nên cảm ơn họ, không nên oán hờn trách móc.
Tình yêu vượt không gian và thời gian. Trên thế giới, tình yêu không có ranh giới quốc gia lãnh thổ, đến cỏ cây cũng còn có tình cảm, huống chi con người. Cây khi bị cưa đổ cũng đã phát ra tiếng khóc. Cây thể hiện tình yêu thương bằng cách che mưa che nắng, tỏa bóng mát cho người nông dân trong những buổi trưa hè. Từ đó, chúng ta thấy rằng cách thể hiện tình yêu là vô hạn. Hoa cỏ cây cối cũng có tình, có nghĩa, con người hà cớ gì không quan tâm lẫn nhau?
Bố mẹ luôn hi vọng chúng ta sớm trưởng thành, trở thành người tài có ích cho xã hội, đất nước. Còn chúng ta, chúng ta đã làm được gì? Chúng ta tỏ thái độ bất mãn khi bị cha mẹ trách mắng, chúng ta thường ôm hận khi thầy cô trừng phạt. Thực ra sự nghiêm khắc của bố mẹ, thầy cô chan chứa tình yêu thương đối với chúng ta, mong muốn chúng ta sửa sai. Hình phạt, kỉ luật là cách đánh mạnh vào tư tưởng chúng ta, giúp chúng ta nhớ để lần sau không phạm sai lầm.
Tình yêu không thể thiếu trong cuộc đời cũng như dòng sông không thể thiếu nước, nếu không có tình yêu thì không thể có một xã hội hài hòa, không có một thế giới hòa bình. Yêu nghĩa là bao dung tất cả, tình yêu như một bếp than hồng làm tan đi sự lạnh lùng băng giá giữa con người với con người.Tình yêu giúp con người chung tay tạo nên một thế giới tươi đẹp. Tình yêu giúp một người tội ác tày trời hối cải làm lại cuộc đời. Chúng ta cần mở rộng lòng mình để người khác sống trong vòng tay yêu thương, hãy để tình yêu và sự hiểu biết thông cảm xóa tan hận thù ngăn cách.
Cuộc sống nhờ có tình yêu mà trở nên muôn màu muôn vẻ!
Đề bài:
Có một sự thật là: không phải lúc nào mọi sự vật hiện tượng cũng bộc lộ rõ bản chất để chúng ta có thể phân biệt được thật giả, đúng sai; điều gì cần làm và không nên làm. Để có thể đến với chân lí, trong lòng mỗi người cần có một ngọn đèn soi tỏ.
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn chủ đề “ngọn đèn trong tim”.
Bài làm 1:
Hoa độc vẫn có màu sắc sặc sỡ, vậy làm thế nào để phân biệt hoa độc và không độc? Nếu chúng ta không dụng tâm phân biệt sẽ bị dáng vẻ bên ngoài của nó mê hoặc, lây nhiễm độc tố. Rượu độc có khi rất thơm, nếu không dụng tâm phân biệt sẽ bị hương thơm đó làm lú lẫn, thậm chí có thể mất mạng. Muôn vật trong đời thường trùm lên vẻ ngoài một lớp sương mờ, trông giống hoa nhưng không phải hoa, giả thật lẫn lộn, chỉ có những người đầu óc luôn tỉnh táo mới phân biệt được thật giả. Đường đời không phải bao giờ cũng được soi dưới ánh mặt trời, có lúc phải đi trong đêm tối, có khi phải đi trong sương mù.Những lúc như thế, phải thắp đèn sáng trong lòng mới nhận rõ phương hướng, định vị cuộc đời, biết đặt chân lên con đường bằng phẳng, biết dừng chân trên vực thẳm.
Sự lựa chọn trong cuộc sống cần chúng ta biết phân biệt phương hướng. Vũ trụ thì mênh mông, luôn phơi bày mọi sắc màu còn lòng ham muốn vật chất như những dòng chảy đan xen lẫn nhau, đang từng giờ từng phút nhấn chìm mọi khả năng lựa chọn và phân biệt phương hướng của chúng ta, khiến chúng ta ngộ nhận, trở thành kẻ nô lệ của quyền lực và tiền bạc. Giữ ngọn đèn sáng trong tâm, mới phân biệt được chính mình thực sự.
Nhà thơ Lí Bạch biết rõ tài trí của mình có thể đổi lấy quan cao lộc lớn, nhưng ông đã quyết định cởi bỏ sự ràng buộc của danh lợi, ngọn đèn lớn trong tim ông sáng rực giúp ông nhận chân phương hướng đích thực của mình trong tình thế xã hội thời ông – quay về sống với cái tôi đích thực của mình. Đúng vậy! Dòng sông vẩn đục chảy xuôi chảy dọc nào có sợ gì, trong tâm đã có đèn sáng, giúp ông soi tỏ mình và người để ông nhận thấy “thế gian đều say cả, chỉ mình ta tỉnh”.
Sự nghiệp thành công cần chúng ta nhận rõ thật, giả. Có lúc chân lí được tìm trong số ít, suy cùng nguyên nhân, đại khái là vì mọi sự vật trong đời đều bị trùm lên lớp sương mờ khiến mắt người thường không nhận ra thực, giả, chỉ có ngọn đèn trong tim soi rọi, có điều kiện nhìn thẳng vào bản chất, biện minh thực giả, mới có được chân lí, xây dựng sự nghiệp. Cha đẻ nghành điện từ - Hans Christian Oersted khi mới bắt đầu nghiên cứu hiệu ứng điện từ, ông cho rằng điện và từ không có dấu hiệu, quan hệ gì đặc biệt. Nhưng trong quá trình thí nghiệm thực tế, ông ngẫu nhiên phát hiện kim điện từ xoay chuyển, mọi người có mặt lúc đó đều cho rằng đó chỉ là ảo giác do hoa mắt , không nên phải lưu tâm làm gì, nhưng ông đã kịp thời nắm bắt cơ hội đó và nghiên cứu lại từ đầu. Cuối cùng ông đã chứng minh rằng dòng điện có thể sinh ra từ trường, khiến nghành vật lí học trên toàn cầu có bước phát triển nhảy vọt. Sự phân biệt chính là quá trình trả mọi hiện tượng về với đúng bản chất của nó, trả lại chân lí cho chân lí, tác thành sự nghiệp cho người biết sử dụng kĩ năng phân biệt.
Trong tim có đèn sáng, soi tan sương mù, đến vùng tươi sáng. Chúng ta cần có một đầu óc tỉnh táo đối với cuộc đời, với sự nghiệp, cần nhận rõ hướng đi để chúng ta không ân hận mỗi khi đặt chân xuống.
Đề bài:
Con người dễ bị chế ngự bởi quyền lực, vật chất, danh vọng. Muốn chiến thắng mọi cám dỗ và đứng vững cần phải có bản lĩnh.
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn về chủ đề “giữ cho tâm hồn mình đứng thẳng”.
Bài làm:
Robert Koch là một bác sĩ,nhà vi sinh vật học nổi tiếng của Đức. Một hôm, ông được nhà vua mời vào hoàng cung khám bệnh. Khi bác sĩ Koch bước vào, nhà vua nói: “Khanh hãy khám bệnh cho trẫm, khanh đừng khám những người bệnh bình thường ngoài kia! Bác sĩ đáp: “Tâu bệ hạ! Trong mắt thần, tất cả bệnh nhân đều được thần xem như một vị quốc vương!”.
Trong mắt một số người, bác sĩ Koch quả là một người ngốc nghếch, dù ông thường đối xử với bệnh nhân của mình như thế nữa thì đứng trước mặt vua thực ra cũng nên nói vài lời cho được lòng vua chứ! Ví dụ có thể nói: “Thưa bệ hạ, đương nhiên thần sẽ làm như thế vì bệ hạ là bậc cao quý nhất trong thiên hạ, thần đâu dám xem bệ hạ như những người thường được? Nếu muốn tỏ thái độ vô cùng kính trọng, vô cùng trung thành với nhà vua nữa thì bạn có thể nói: “Muôn tâu bệ hạ, ngài là vị vua nhân đức, điều ngài vừa nói đúng như thần nghĩ, hôm nay thần mang đến cho bệ hạ một thuốc bí truyền của gia đình hạ thần, bất kì ai có bệnh thần cũng không nỡ đem phương thuốc này chữa cho họ, nay thần sẽ dốc hết sức bình sinh để cầu chúc cho bệ hạ vạn thọ vô cương, sự khỏe mạnh của bệ hạ là niềm hạnh phúc của toàn nước Đức này”. Nếu làm nhà vua vui lòng thì nhất định sẽ tốt cho tương lai của ông, biết đâu ông sẽ được nhà vua cho vào cung làm ngự y hoặc tổng quản quản lí các thầy thuốc trong thành. Thế nhưng, bác sĩ Koch đã không làm thế, ông chỉ nói những lời đúng với lòng mình. Vị bác sĩ ấy đã để cho tâm hồn mình đứng thẳng trước quyền thế tối cao trên đời, không để tâm hồn mình phải sụp lạy trước tiền bạc hay chức vị, nhờ thế tên tuổi của bác sĩ đã sống mãi trong lòng người dân Đức.
Chúng ta hãy để tâm hồn mình đứng thẳng trước quyền thế, tiền bạc và sắc dục. Tiền bạc có khả năng khuất phục chúng ta bởi sức quyến rũ vật chất của nó; sắc dục làm tâm tình chúng ta mê loạn; niềm vinh dự nhất thời có thể khiến chúng ta đánh mất mục tiêu cả đời. Bạn phải kiên trì với lí tưởng của mình, phải biết bỏ qua những thứ mà phần lớn mà người đời đều coi trọng đó, đồng thời bạn phải giương cao ngọn cờ cuộc đời của mình.
Để tâm hồn mình đứng thẳng trước cám dỗ của mọi tấm lòng rộng lượng bao dung. Người hẹp hòi, ích kì, chỉ biết tính toán lo toan cho bản thân, luôn luôn chuẩn bị sẳn sàng tư thế quỳ gối để có tiền bạc, danh dự, nữ sắc dục…là người “đứng núi này trông núi nọ”, ý chí không kiên định, “gió chiều nào theo chiều ấy”. Vì người đó chỉ biết theo đuổi lợi ích, muốn theo đuổi lợi ích cần biết “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cần biết lợi dụng ai, đoàn kết bắt tay với người nào, cần cô lập ai, cần công kích ai. Chỉ có những người vì số đông, biết kết hợp lợi ích cá nhân với lợi ích chung của mọi người làm một mới có tinh thần thép, không kinh động khiếp hãi trước quyền uy, không nhụt chí nguội lòng khi thất sủng, lấy việc giữ liêm khiết cho tâm hồn là lợi ích tối thượng. Cái mà họ theo đuổi là chân lí, chân lí không cần phải sống và hành xử bằng cách dựa vào nét mặt người khác, bất luận thế gian này thay đổi thế nào cũng giữ khí tiết đã định của mình. Để tâm hồn đứng vững cần có chí khí. Cây tùng mọc trên núi đá không sợ gió bão, không sợ giá rét vì bản chất của nó là thế, nó sống trong những nơi cây khác không thể sống, giữ được những điều mà cây khác không thể giữ như đến mùa thu nó không úa lá rụng tàn. Con người cũng thế, nếu ý chí cao thượng sẽ có cách hành xử cao thượng một cách tự nhiên mà không hề học hỏi hay làm gượng ép.
Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, có tốt có xấu, năng lực cũng có giỏi có kém, thế nên chúng ta không thể mong muốn họ đồng nhất trong lí tưởng mục tiêu nhưng có một điều mà ai ai cũng mơ ước như nhau, đó là sự tôn nghiêm của linh hồn. Hãy để tâm hồn mình đứng thẳng trước bất kì thế lực nào, bất kì cám dỗ nào.
Đề bài:
Mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng nhìn thấy rất rõ sai trái, lỗi lầm của người khác nhưng thường lại không nhận ra khuyết điểm của chính mình. H. Ban – dắc, nhà văn Pháp nổi tiếng cho rằng:”Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ”. Anh/chị hãy trình bày trong một bài văn ngắn quan điểm của mình về nhận định trên.
Bài làm:
Vào một buổi tối, khi xem tivi, xem đến câu chuyện nhà khoa học và khoa học, trong đó có nhắc đến một phát minh sáng tạo liên quan đến Einstein. Tôi liền nhớ đến câu chuyện Einstein và ba chiếc ghế của ông. Tinh thần kiên nhẫn của Einstein được thể hiện trong đó cũng được nhiều người biết, nên tôi không tiện nhắc lại ở đây nữa.
Tôi chỉ muốn nói, giả dụ như tôi là Einstein, tôi sẽ làm như thế nào? Tôi có thể sử dụng sự tinh nhanh của tuổi nhỏ để che đậy cái kém cỏi của mình hay không, có cảm thấy xấu hổ rồi phẫn uất bất bình không? Tôi tuyệt nhiên không thể mang ra hai cái ghế xấu hơn của mình cho người khác xem, điều này chẳng hóa ra càng chịu thêm nhiều lời châm biếm hay sao?
Nhưng Einstein đã làm như vậy. Đối với nhiều người, đây sẽ là một hành động ngu ngốc, nhưng đối với tôi, đây là tinh thần vô cùng đáng quý, dám làm những việc khó, “dám phơi sự yếu kém của mình ra”. Einstein là một nhà khoa học lớn nổi tiếng của thế giới, thời thơ ấu cuối cùng cũng làm được một chiếc ghế hợp lí. Chúng ta, những con người bình thường, có một chút khuyết điểm thì có gì là lạ, quan trọng là nhìn nhận nó như thế nào mà thôi. Có người một lúc có thể thành danh, có người lầm lạc, che đậy khuyết điểm bằng muôn nghìn cách. Cũng có một số người, chỉ có năng lực bình thường, có chỗ yếu, nhưng không muốn người khác biết, đó là: khuyết điểm, sai lầm không vì việc người khác không biết đến mà mất đi. Chỉ biết lợi ích trước mắt mà quên đi cái lợi ích lâu dài là kết quả khủng khiếp của việc nuôi hổ rước họa vào mình. Einstein không phải vì “làm không tốt” mà xấu hổ. Chúng ta đã nỗ lực hết sức, thì cũng nên có can đảm cho mọi người xem thành quả của những nỗ lực sáng tạo đó, còn đánh giá như thế nào lại là việc của người khác, chỉ cần tự mình tìm thấy trong những lời nhận xét đó những điều bổ ích, thì cũng không mất đi một lần tận hưởng thành công.
Nguyên nhân tạo thành tư tưởng trên chính là một loại tâm lí xấu xa nhất – tâm lí thích hư vinh. Nó là vật cản bước tiến của mỗi cá nhân, thậm chí của mỗi quốc gia. Lỗ Tấn trong Đầu tiên và sau cùng đã nói rất rõ ràng tỉ mỉ về vấn đề này. Cái mà ông nhìn thấy là: vận động viên tụt hậu trong đường chạy dài, hoặc là “giả vờ ngã để đội y tế mang đi”, hoặc là “giữa đường làm khách lẫn vào trong đám đông”, nguyên nhân rất giản đơn: “xấu hổ vì mình kém cỏi”. Đây cũng chính là một khuyết điểm rất lớn đang tồn tại trong cuộc sống chúng ta.
Vẫn dùng lời của Lỗ Tấn để nói: “Những vận động viên kia, dù tụt lại phía sau nhưng vẫn kiên trì chạy đến cùng và tất nhiên, những người xem cũng không cười họ, những người như thế mới là rường cột tương lai của đất nước”. Tôi tin tưởng rằng, nếu mọi người đều có thể dám “tự phơi bày hạn chế” của mình, trong học tập, làm việc và sống bằng thái độ thực sự cầu thị thì nhất định sẽ có một tiền đồ xán lạn.
Đề bài:
“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”(Xukhômlinxki).
Trình bày trong một bài văn ngắn suy nghĩ của anh/chi về câu nói trên.
Bài làm:
Sự gợi mở từ một milimét, độ dày của con bài Domino –mỏng quá! Trong mắt bạn, độ dày chưa đầy một li nhưng ghép lại có thể cao đến một mét, thậm chí cao đến một nghìn mét, kỉ lục thế giới của Jienisi. Mỗi con bài tuy không đáng là bao nhưng hàng trăm hàng triệu con bài kia đã lập nên kỉ lục thế giới, kỉ lục do ba nước Hàn – Nhật – Trung hợp tác lập nên. Có thể nói rằng đấy là việc làm đã phát huy hết tác dụng của các con bài. Người xưa có câu “ Giọt nước tuy nhỏ nhưng tích dần cũng đầy bình lớn, thành sông, thành biển” điều đó cho thấy rằng, tự ngàn xưa con người đã quan tâm đến sức mạnh của sự đoàn kết.
Đúng thế, mỗi chúng ta được vi như một con bài, chúng ta không là gì cả, chỉ là một hạt cát nhỏ trên sa mạc, nhưng nếu chúng ta đoàn kết một lòng thì đó là cả sa mạc, thành cả một đống bài lập nên kỉ lục thế giới. Có nhiều người tự ti cho rằng mình quá tầm thường, chẳng có cống hiến gì cho xã hội, nhưng bạn đã từng nghĩ rằng, toàn bộ xã hội được tạo thành bởi những cái “tầm thường” đó chưa? Vì thế bạn không cần phải buồn vì bản thân mình, khi bạn thấy mình nhỏ nhoi, không có chút giá trị gì nào trong xã hội thì hãy nghĩ đến câu chuyện này. Có lẽ đằng sau cái nhỏ nhoi, bé bỏng của mình là ý nghĩa vĩ đại mà chúng ta đã đóng góp nên. Thế nên chúng ta đừng thất vọng khi thấy mình tầm thường, phổ thông, nhất định một ngày nào đó bạn sẽ tìm được vị trí một milimét của mình.
Nếu không có một học sinh hoạt bát, đáng yêu thì lấy đâu ra thế giới học đường? Nếu không có một cây thì lấy đâu ra rừng đại ngàn? Không có tính cách mỗi người mỗi khác làm sao có được cuộc đời muôn màu muôn vẻ? Đây chính là sự thần kì của một milimét. Từng nghe người ta nói: Khi bạn thấy mình giỏi hơn so với bất kì người nào thì hãy nhớ lại những người đã từng hơn bạn; khi bạn thấy mình kém hơn so với bất kì người nào thì hãy nhớ lại những người kém hơn bạn. Cũng như thế, khi bạn thấy mình nhỏ bé, không đáng nói, thì hãy nghĩ đến những cái nhỏ hơn không đáng nói khác ngoài bạn, như thế có lẽ bạn sẽ lấy lại niềm tin trong sự nhỏ bé của mình.
Đề bài:
Người xưa có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Lại có câu “Nhân định thắng thiên, đức năng thắng số”.
Trình bày một bài văn ngắn quan điểm của anh/chị về vấn đề trên.
Đề bài:
Có một triết lí bình dị về cuộc sống: “Nếu bạn dám chủ động đón nhận những khó khăn, cay đắng, bạn sẽ nhận thấy vị ngọt ngào, thanh thản; còn né tránh và sợ hãi trước những gian nan, thử thách, cái mà bạn nhận được sẽ là nỗi khổ đau và ám ảnh.
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn về sự cần thiết của “vị đắng” trong cuộc sống.
Đề bài:
Trình bày trong một bài văn ngắn quan điểm của anh/chị về cái đẹp.
Đề bài:
Trình bày trong một bài văn ngắn suy nghĩ của anh/chị về câu nói: “Gian khổ nuôi dưỡng cái đẹp”.
Đề bài:
Các Mác từng nhận định: “Tình bạn chân chính là viên ngọc quý”. Hãy nêu cách giữ gìn tình bạn.
Đề bài:
Một ngày nọ, nhà văn người Nga Ghoul đến thăm Lev Tolstoy. Ông nói: “Anh thật là hạnh phúc, anh có trong tay tất cả những gì mình muốn”. Lev Tolstoy trả lời: “Không, tôi không hề sở hữu tất cả những gì mình muốn”.
Con người ai cũng khát khao “có được điều mình mong muốn”, lẽ nào người ta không biết, “yêu những thứ mình đang có” mới là hạnh phúc nhất. Hãy viết một bài văn ngắn trình bày quan điểm của anh/chị về hạnh phúc.
Đề bài:
Bạn có yêu đời không? Vậy đừng phung phí thời gian vì chất liệu cuộc sống làm bằng thời gian” (Franklin). Từ câu nói trên, anh/chị rút ra được bài học gì?

Hãy viết một bài văn ngắn trình bày quan niệm của anh/chị về sự giàu có.

No comments: