Thursday, April 12, 2012

Hương rừng Cà Mau_Sơn Nam_NXB TRẺ TP.HCM_1986

Lời giới thiệu
Quyển sách đã có một bài thơ thay lời tựa, viết thêm lời giới thiệu có phải là một việc thừa? Đó là nỗi băn khoăn của tôi khi viết những dòng này.
Hơn nữa, bài thơ ấy, ngày xưa cũng như hôm nay vẫn gợi trong tôi một nỗi nhớ nhung mênh mông, thăm thẳm đối với vùng đất U Minh muỗi mòng đỉa vắt, tràm nước bạc ngàn, dớn choại âm u, đỏ ngầu dòng nước.
"Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
"Chướng khí mù như sương
"Thân không là lính thú
"Sao chưa về cố hương?...
Nhưng với tình bạn cố tri trên nửa đời chiến đấu, viết đôi lời giới thiệu Sơn Nam và tác phẩm của anh để độc giả hiểu rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này gẫm đâu phải là vô ích.
Trong kháng chiến chống Pháp, Sơn Nam lúc ấy là Phan Anh Tài) hoạt động ở chiến trường khu Chín, Cà Mau, U Minh, là địa bàn vùng vẫy của anh.
Suốt những tháng năm dài anh đã dọc ngang khắp vùng rừng xanh nước biếc, anh đã nghe nhiều, thấy nhiều, hiểu biết nhiều về vùng đất Cà Mau, đất Mũi, U Minh.
Năm 1954, sau Hiệp định Genève, Sơn Nam được phân công về Sài Gòn công tác. Với vốn tích lũy vô cùng phong phú anh đã viết hàng loạt bài về vùng đất U Minh đăng trên các báo công khai và được độc giả hoan nghênh, yêu thích.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, rừng U Minh, là vùng căn cứ địa cách mạng bất khả xâm phạm của chiến trường miền Tây Nam Bộ. Nhưng lúc bấy giờ người dân Sài Gòn, người dân các tỉnh miền Đông và miền Trung Nam Bộ mấy ai đã hiểu tận tường về vùng đất hoang vu này.
Những bài viết của Sơn Nam đã giúp đồng bào hiểu thêm phần nào về rừng U Minh, về mũi đất Cà Mau cuối cùng của Tổ quốc.
Đọc "Hương rừng Cà Mau" đồng bào hiểu thêm được về thiên nhiên, về lịch sử, về đời sống, về con người của vùng đất xa xôi huyền bí này.
Đọc "Hương rừng Cà Mau" đồng bào sẽ hiểu thêm về Hòn Cổ Tron, về sông Gành Hào, về đàn ong mật, về đàn rắn, đàn sấu U Minh, về mùa len trâu, về những đêm hát hội giữa rừng, về những cuộc đua ghe ngo, về điệu hò trên sông nước...
Bàng bạc trong những trang sách này là một tình yêu quê hương đậm đà đằm thắm. Người đọc sẽ thấy lòng thương cảm xót xa với nỗi đau khổ của quê nghèo: ông Từ Thông suốt đời cô độc, trên Hòn Cổ Tron tứ bề mịt mờ sóng nước. Lão Bích sống không nơi gởi thịt, thác không nơi gởi xương, cuối cùng xương thịt phải rã tan trong dòng phù sa ngầu đục-; và biết bao người đã ra đi mở đất tìm kế sinh nhai và đã chết vì săn bắt hùm thú.
Hồn ở đâu đây
Hồn ơi hồn hỡi
Xa cây xa cối
Xa cội xa nhành

Đầu bãi cuối gành
Hùm tha sấu bắt
Bởi vì thắt ngặt
Manh áo chén cơm...
Cũng bàng bạc trong những trang sách này là một ý thức chống xâm lăng triền miên sâu sắc.
Vị đạo sĩ già truyền lại cho đời sau đường quyền Lưu Thủy với chức vị: "Chặt đầu Tây", nỗi tủi nhục xót xa của Lục cụ Tăng Biên khi được nhà nước Lang-sa tặng cho lá cờ tam sắc, giải nhất trong cuộc đua ghe ngo trên sông Cái Lớn, nỗi đau thương dằn vặt với những hồn oan bị giặc Tây tàn sát ở đìa Gừa, ở gò Mả Lạn, và đâu phải ngẫu nhiên mà Sơn Nam đã bắt viên kiểm lâm Rốp người Pháp phải chắp tay xá chú Tư Đức "một người đốn củi lậu có đức, có tài, biết thương cuộc sống", như vua Hy Lạp Mi-lan-đa, đã chắp tay xá vị pháp sư Ấn Độ Na-ga-sơ-na vì lòng cảm phục kính yêu.
Điều chúng ta nên nhớ là nhà văn Sơn Nam đã viết quyển sách này giữa lòng đô thị dưới thời Mĩ ngụy, viết dưới sự kiểm duyệt khắt khe của kẻ thù, viết trong khi luật 10/59 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, viết trong khi bọn Mỹ Diệm kéo lê máy chém trên khắp nẻo đô thành, viết trong lúc hầu hết những anh chị em văn nghệ sĩ yêu nước cách mạng đều sa vào tù ngục.
Muốn những trang sách này có thể ra mắt đồng bào Sài Gòn lúc ấy, tác giả đã phải "luồn", phải "lách" và trong hoàn cảnh ấy, quyển sách không thể không có ít nhiều hạn chế. Đó là điều người đọc nên thông cảm.
Tuy nhiên, "Hương rừng Cà Mau" vẫn là một tác phẩm giá trị và nó vẫn sống trong lòng ngườiđọc, nó vẫn sống với thời gian.
Tôi tin rằng, ngày mai khi U Minh Thượng, U Minh Hạ, khi rừng Cà Mau rực rỡ ánh đèn, khi mỗi con người đều ấm no hạnh phúc, khi tiếng hát ca vang dội thôn xóm sáng chiều, thì ngày ấy "Hương rừng Cà Mau" vẫn giữ nguyên hương vị của nó vì nó sẽ gợi cho cháu con hạnh phúc thương nhớ và xót xa với số phận đầy gian truân khổ ải của ông cha, những người đã vắt cạn mồ hôi, đã trộn máu xương vào đất trong những cuộc vật lộn với thiên nhiên, trong những cuộc đấu tranh chống áp bức bất công, chống cường quyền bạo lực, chống quân xâm lược dã man, đã trộn máu xương mình vào đất để tạo dựng nên một mũi Cà Mau, vùng đất cuối trời xanh tươi bát ngát của Tổ quốc Việt Nam, để lưu truyền lại ngàn đời cho con cháu.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 08 tháng 05 năm 1986
VIỄN PHƯƠNG
(Chủ tịch Hội Văn nghệ Tp.HCM)


Những chuyện xảy ra vào khoảng 1939-1940. Tên các nhân vật đều do tưởng tượng mà ra, nếu trúng với những người có thật thì đó chỉ là sự tình cờ, ngoài dụng ý của tác giả.
Thay lời tựa
Trong khói sóng mênh mông,
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả,
Tới Cà Mau-Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng...
Muổi, vắt nhiều hơn cỏ,
Chướng khí mù như tương.
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú,
Hoa lá rụng, buồn buồn


Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn,
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới mây trời heo hút...,
Hơi Vọng Cổ nương bờ tre bay vút
Điệu Hò...ơ theo nước chảy, chan hòa.
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...
HÒN CỔ TRON
Ông Từ Thông ra hòn Cổ Tron cất chòi mà nương náu không biết từ bao nhiêu niên kỷ rồi. Tóc của ông lốm đốm bạc, khi thì thả dài xuống khỏi lưng quần, khi thì bới thành búi to sau ót, gài lại bằng một cọng gai kim quít. Một bộ quần áo nghĩ cũng hơi dư mặc đối với ông! Nhiều khi năm ba tháng liên tiếp ông phơi lưng trần với nắng, bên mấy gốc săn đá cổ thụ, lá cành xơ xác vì những cơn gió triền miên của biển khơi. Khi trời nực thì có những khe suối trong veo đón mời. Ông cứ ung dung mà uống, mà tắm một cách tự nhiên, vô tình khuấy rối giấc mơ của đàn bướm trắng đang xao động bay lên chập chờn như muốn rời mấy nhánh mai hoẳng lơ thơ cúi nghiêng mình chấm mi nước...Hôm nào vui cho bằng hôm mười bốn, hôm rằm! Ông Từ Thông ra sau rẫy, đào lên củ khoai môn to lớn, đem luộc chín. Ngồi trên vồ cẩm thạch, ông chậm rãi ăn buổi chiều, thỉnh thoảng rứt từ miếng khoai, thảy xuống nước. Loài cá nhỏ bu lại nhởn nhơ mỗi con khoe một vẻ riêng. Tận dưới đáy biển, loại sò, loại ốc, loại nhum đang há miệng, le lưỡi bò chậm chạp trên nền đá tím nổi gân vàng, trên nền đá vàng nổi gân trắng. Hoàng hôn tràn tới chính là lúc cảnh vật dưới nước ngời lên, bóng mây phản chiếu lấp lánh như gấm. Đêm về, trăng mọc. Nơi thủy cung rộn rịp nào kém chốn trần gian! Từng đợt sóng chìm lững lờ mơn trớn, khoác thêm lớp xiêm lụa mỏng cho bầy cá hường. Và muôn vì sao trên dải Ngân Hà sa xuống đậu lấm tấm khắp nhánh sa hô trắng bạc.
Ở Hòn Cổ Tron giữa vịnh Xiêm La này, ông Từ Thông cơ hồ quên cả loài người và loài người cũng hầu như quên rằng mình có một đồng loại ở ngoài mõm đá chơi vơi kia. Điều ấy, chúng ta không nên trách ai cả, chẳng qua là...hải giác thiên nhai. Không lẽ ông phải vượt bốn mươi cây số đường biển để tới công sở Lại Sơn, bên Hòn Rái mà trình diện. Chính quan chủ quận Châu thành Rạch Giá còn ngán đi kinh lý đến làng Lại Sơn! Từ dinh quận của ông đến công sở làng ít nhứt cũng là năm chục cây số đường hải đạo mênh mông sóng cồn. Mấy chiếc "ca nốt" oai hùng trong sóng rạch chỉ là cái vỏ trứng vịt giữa biển, Nhà nước thuộc địa nào chú ý đến việc cung cấp tàu đồng, tàu sắt để quan chủ quận đi cai trị dân! Không lẽ ông chủ quận lại cưỡi ghe bầu hàng trăm cây số. Vả lại ghe bầu nào phải như chim trời mà bay thẳng một đường ngay. Ghe chạy theo đường gãy. Ngoài biển khơi, đường gãy là đường gần nhất giữa hai điểm cách nhau; cái khoảng gần trăm cây số trên kia kéo dài gấp ba, gấp bốn.
Năm ấy, tháng ấy, ngày ấy...ông Từ Thông bỗng nghe chút gì băn khoăn, rạo rực trong lòng ông và ở ngoài đời. Từng đàn chim sắc đen ngòm như bầy quạ bay lượn quanh hòn Cổ Tron, rú lên, rít lên, lắm lúc như toan đáp xuống, đột nhiên đảo ngược, đi thẳng một mạch khuất trong mây khói.
-Bữa nay họ làm cái gì vậy cà?
Ông Từ Thông hối hả trèo lên chót đá mà ngóng. Hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc không có gì lạ. Duy có hướng Đông: kìa, sừng sững dưới ánh nắng mai năm ba hòn đảo nhô lên, những hòn đảo mới lạ. Ông trố mắt, liên tưởng tới phép dời non lấp biển rất nhiệm mầu của tay Thợ Trời khéo léo. Không thể lầm lẫn được! Hồi nào đến giờ , ông rất sành sỏi về vị trí mấy hòn đảo nhỏ án ngữ chung quanh đây. Từ hòn đảo mới nổi ấy, một đốm trắng ngời, một chiếc "ca nốt" rồi hai chiếc, ba chiếc đang rẽ sóng chạy phăng lại nơi ông ở. "Tự năm bảy năm nay, mình chưa mất lòng một con sâu, một con kiến, không lẽ bây giờ có kẻ báo oán mình? Oán nào đã gây ra mà báo?". Nghĩ vậy,ông trở xuống chân hòn sát mé biển, chờ đợi.
Chập sau, mấy chiếc "ca nốt" xáp gần bờ; họ đưa tay ngoắc ông.
Người Việt Nam nọ lên tiếng:
-Ông già! Lại đây quan lớn hỏi.
Ông Từ Thông nhìn năm sáu người mặc võ phục trắng đứng gần thầy thông ngôn.
Mấy người mặc võ phục nói ríu rít. Ông đoán đó là "tiếng Tây"...
-Ông già! đây là Bu-lô Đa-ma?
Ông đáp:
-Dạ không biết. Nó là hòn Cổ Tron. Chung quanh đây là mười hòn nhỏ khác. Không có nơi nào kêu là hòn Đa-ma...
-Vậy thì nó là hòn Nam Du, trong bản đồ ghi rõ đường hoàng. Ông nói kỳ quá!
Ông Từ Thông lắc đầu:
-Dạ, lời thật khai ngay. Tôi không biết. Xung quanh đây là hòn Mẫu, hòn Dài, hòn Cổ Sơn, hòn Móng Tay.
Chập sau, thầy thông ngôn mới đồng ý:
-Đúng vậy, Bu-lô Đa-ma hoặc hòn Nam Du là tên theo sách chữ nho, theo nhà binh. Hòn Cổ Tron là tên tục của nó. Nè ông lão! Quan lớn ra lịnh như vầy...
-Bẩm thầy, quan lớn là người của nước nào, tôi chưa rành.
-Ông giỡn sao chớ? Hay là ông ngủ mê? Cỡ này, nhà nước thuộc địa Tây đánh với nước Xiêm.
-Bẩm thầy, đánh ở đâu? Tôi chưa được am tường.
-Đánh tại nước Cao Miên. Đánh luôn tại Bu-lô Đa-ma tức là cái hòn Cổ Tron này.
Ông Từ Thông cau mày:
-Mô Phật. Cầu xin Phật Trời...
Thầy thông ngôn đắc ý:
-Không sao đâu! Hễ làm con dân thì phải gánh vác nghĩa vụ. Quan lớn muốn biết hổm rày có tàu bè lạ nào chạy tới đây do thám không?
-Dạ, không thấy.
-Hòn này bao nhiêu dân đinh?
-Bẩm thầy, có một mình tôi thôi. Còn mấy hòn gần đây, tôi không rành. Chắc là năm bảy người, toàn dân "An Nam" mình.
-Được, thôi bây giờ quan lớn muốn ông kiếm dùm trái cây, nước ngọt. Rồi quan lớn cho chút ít tiền....Thời buổi này ông nên xài phí. Việc sống chết bất thường lắm.
Có lẽ sợ ông Từ Thông trốn luôn trên chót hòn nên thầy thông ngôn đi theo sát bên ông, sẳn sàng giúp ông quảy mớ chuối, mớ mít. Trước lạ sau quen, ông Từ Thông hỏi dọ sơ qua về tình hình trong bờ:
-Trận giặc này không biết dân "An Nam" mình bao nhiêu không thầy?
-Hỏi làm chi vậy? Ở đây yên thân già của ông rồi. Nghe nói dân miệt Hốc Môn, miệt Long Hưng...nhộn dữ lắm. Tây không muốn nói chuyện đó.
Một mối buồn len vào tâm não ông Từ Thông. Ông nghe gió thổi bốn bề, lạnh lùng. Lương tri như rực sáng nhắc nhỏ ông món nợ gì đối với đồng bào, giang sơn. Không giúp nước được thì ít ra ông cũng cần biết những gì xảy ra đau buồn trong nước. Cây có cội. Nước có nguồn. Chim có tổ. Cá có hang. Đôi mắt già của ông Từ Thông ngẩn ngơ nhìn muôn lớp sóng cồn. Chân trời u ám, mấy đám mây đang bay thấp là đà...Ông hổ thẹn, tủi bấy phận mình không bằng con đỗ quyên đêm hè kêu khắc khoải.
Thầy thông ngôn nói to khiến ông giật mình:
-Quan lớn đi về. Ông muốn xin điều gì, vật gì không? Ông tử tế lắm.
Ông Từ Thông chắp hai tay ra vẻ cung kính:
-Tôi muốn vô trong đất liền, miệt Rạch Giá hay Cà Mau gì cũng được để thăm bà con. Nhờ quan lớn
ÔNG GIÀ XAY LÚA
Tây cai trị xứ mình...





No comments: